Bạn đọc Trần Phượng A. (30 tuổi; quận 6, TP HCM) hỏi: Con trai tôi 7 tuổi, cháu rất thích ăn cá và tôi khuyến khích vì đọc nhiều sách báo đều thấy cá rất tốt cho sức khỏe. Nhưng trẻ con hay bị mắc xương cá, cháu từng làm tôi hoảng hồn, có lần ho một cái may là xương văng ra, lần khác tôi cho cháu nuốt miếng chuối cho xương trôi xuống thì khỏi. Dù vậy chồng tôi bảo cho nuốt xương vậy dễ thủng ruột. Tôi cãi, vì có lần bé mắc xương, không nuốt mà cố khạc nên đã chảy máu, phải đi viện… Nhờ bác sĩ tư vấn giúp cách nào nên làm hơn?
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), trả lời:
Việc khạc vài cái để xương văng ra hay lần cháu nuốt chuối mà khỏi chỉ đúng với những xương thật nhỏ, không có góc cạnh phức tạp và có chút may mắn nữa.
Tốt nhất khi bé ăn các món nhiều xương, nên hỗ trợ bé loại bỏ bớt xương, dạy trẻ cách ăn, nhai kỹ để nhả hết xương ra; tránh đùa nghịch, nói chuyện khi ăn vì như thế sẽ dễ mắc xương hơn.
Nếu lỡ mắc xương mà khạc nhẹ vài cái không ra, bạn nên đưa bé đến cơ sở y tế để được gắp xương ra. Phương pháp nuốt miếng chuối, cơm là không nên bởi nếu lỡ xương hơi lớn, có góc cạnh, đồ ăn nuốt vào có thể làm xương găm sâu thêm hoặc trôi xuống và mắc lại ở một vị trí sâu hơn, việc lấy ra càng khó khăn.
Xương trôi xuống và mắc sâu hơn trong thực quản và các vị trí khác của đường tiêu hóa mà không được phát hiện sớm và lấy ra có thể gây, viêm, áp-xe bên trong, để lâu thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.
Tương tự, việc cố khạc ra khi không thể cũng có thể khiến xương găm sâu hơn vào vị trí mắc do sự co thắt thực quản, bé sẽ bị chảy máu, đau đớn và xương cũng khó gắp hơn, gây tổn thương thực quản nặng hơn.
Trong khi đó, với đa phần các trường hợp vừa nuốt phải xương, bác sĩ có thể gắp ra rất nhanh và dễ dàng.
Bình luận (0)