Bạn đọc BÌNH QUÝ (Bình Dương) hỏi: Con tôi đang trong độ tuổi ăn dặm nhưng bé rất kén ăn. Tôi có nên cho thêm chút gia vị vào thức ăn của bé không? Nên chế biến bằng hình thức nào để giữ nguyên dưỡng chất trong thực phẩm?
Bác sĩ HÀ THỊ MỸ HẠNH: Thực đơn ăn dặm của trẻ cần đầy đủ 4 nhóm chất: chất bột đường (có trong gạo, ngô, khoai), đạm (có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu), chất béo (trong dầu ăn) và vitamin, khoáng chất (từ rau, củ, quả). Nhu cầu với mỗi nhóm chất sẽ khác nhau ở từng trẻ.
Cha mẹ nên ưu tiên sử dụng thức ăn tươi mới, bảo đảm vệ sinh và rau, củ, quả theo mùa. Ngoài ra, không sử dụng bột ngọt và các thực phẩm chứa thành phần này khi cho trẻ ăn dặm. Các chất có trong bột ngọt có thể làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường trong tương lai cho dù con bạn duy trì lối sống lành mạnh. Nguy cơ này đặc biệt tăng cao ở trẻ có đột biến gien IRS1 - gen tham gia quá trình truyền tín hiệu insulin.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần lưu ý khi lựa chọn đồ dùng, dụng cụ chế biến, bảo quản thực phẩm ăn dặm của bé. Nhiều nghiên cứu báo cáo nhựa BPA có liên quan tới các bệnh tim mạch, đái tháo đường, béo phì, ung thư, tổn thương não bộ ở trẻ em. Vì vậy, cha mẹ nên đựng thức ăn cho trẻ trong các vật dụng bằng thủy tinh hoặc nhựa an toàn.
Cách tốt nhất để chế biến đồ ăn dặm cho trẻ là hấp và luộc. Hai phương pháp này vừa hạn chế mất dưỡng chất trong thức ăn vừa giữ được màu sắc đẹp mắt lại dễ thực hiện. Ngoài ra, cha mẹ không nên nấu đồ ăn quá nhừ, mềm nhũn bởi nhóm vitamin tan trong nước như B, C sẽ mất đi. Ninh nhừ thịt, cá cũng làm thay đổi cấu trúc protein trong đồ ăn, protein bện chặt lại làm bé bị khó tiêu.
Bình luận (0)