Thống kê được Bệnh viện Từ Dũ đưa ra nhân ngày Thế giới vì trẻ sinh non 17-11. Với 7.220 lít sữa được các sản phụ tặng, bệnh viện đã xử lý theo quy trình và tạo ra được 6.283 lít sữa thanh trùng.
Số sữa này được dùng để hỗ trợ điều trị cho gần 1.100 em bé sinh non được chăm sóc tại Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM) và Bệnh viện Phương Châu Cần Thơ từ đầu năm đến nay.
Chăm sóc trẻ sinh non tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ TP HCM (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
Trong số sữa được các sản phụ tặng bệnh viện, đáng nhớ nhất là một sản phụ giấu tên, cũng sinh con non tháng tại Bệnh viện Từ Dũ. Theo bác sĩ chuyên khoa II Bùi Thị Hồng Nhu, Trưởng Phòng Công tác xác hội Bệnh viện Từ Dũ, cháu bé đã được cố gắng nuôi suốt gần 1 tháng nhưng cuối cùng vẫn không qua khỏi vì ra đời quá sớm. Trong thời gian mong chờ, nuôi bao hy vọng đó, người mẹ trẻ tuổi đã ngày đêm kích sữa, hút sữa, trữ sữa, cất đầy cả một tủ lạnh.
Con không qua khỏi, chị đã quyết định tặng lại toàn bộ số sữa cho ngân hàng sữa mẹ để mong góp phần cứu những em bé sinh non khác.
Một trong các thùng sữa mẹ được gửi đến Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
Theo các thống kê, dù hiện nay y học tiến bộ rất nhiều, có nhiều biện pháp kỹ thuật giúp dự phòng sinh non, tuy nhiên tỉ lệ sinh non vẫn ở mức xấp xỉ 10%, chia thành nhiều mức độ: sinh cực non, rất non, non vừa, sinh non muộn.
Trẻ càng non thì nguy cơ gặp các biến chứng càng cao và tỉ lệ nuôi sống càng giảm. Do đó, tìm cách tăng tỉ lệ nuôi sống khỏe mạnh, giảm biến chứng ở những em bé sinh non, đặc biệt là nhóm trẻ rất non và cực non luôn là mục tiêu lớn của ngành y tế.
Hơn 7.200 lít sữa mẹ đã được gửi đến từ đầu năm nay dù dịch bệnh phức tạp (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
Theo các nghiên cứu, được nuôi bằng sữa mẹ góp phần cải thiện sức khỏe của trẻ sinh non rất nhiều, nhưng không phải bà mẹ nào sinh con non tháng cũng có sữa và có đủ sữa cho trẻ. Vì vậy, trẻ sinh non là một trong những đối tượng hàng đầu mà Ngân hàng sữa mẹ hướng tới.
Bình luận (0)