Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM): Thông thường trẻ em sẽ hết đái dầm vào khoảng 2-3 tuổi. Tuy nhiên, có một số cháu bé vẫn bị tình trạng này kéo dài đến 5-6 tuổi như con chị. Có hai khả năng:
Trường hợp thứ nhất, bé có thể có chút trục trặc về hệ thống thần kinh điều khiển phản xạ tiểu tiện; hoặc có một vấn đề gì khiến bàng quang co bóp mạnh ngay cả khi chưa đầy, khiến bé dễ buồn tiểu và có thể đái dầm. Những trẻ này phải được đưa đến bệnh viện nhi để bác sĩ thăm khám và điều trị.
Trường hợp thứ hai, phổ biến hơn, đó là do tâm lý. Có những bé căng thẳng do việc học, các vấn đề ở trường, đêm gặp ác mộng hoặc nằm mơ thấy mình đi tiểu và đái dầm luôn. Cũng có bé vì thấy nhà vệ sinh ở trường không được sạch như ở nhà, cố nhịn tiểu, thể là đái dầm trong lúc ngủ trưa.
Nếu là do tâm lý, chị cần tìm hiểu và giải quyết những căng thẳng mà bé đang vướng mắc. Nên khuyên trẻ không được cố nhịn tiểu, nếu là ban đêm, phải báo cho cha hay mẹ dẫn đi vệ sinh khi cần thiết. Cho trẻ đi vệ sinh trước khi ngủ, canh giờ bé hay đái dầm, đánh thức bé và cho bé đi vệ sinh.
Ngoài ra, một số bậc cha mẹ có thói quen dùng tã giấy cho con dù trẻ đã lớn, vì sợ bẩn giường. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời, đôi khi lạm dụng lại khiến trẻ mất đi thói quen thức dậy đi vệ sinh vì nghĩ rằng đã có tã. Trẻ em 2 tuổi đã nhận thức được, có thể thông báo với cha mẹ khi mắc tiểu hoặc thức dậy đòi đi tiểu. Vì thế, nên dạy các bé điều này ngay từ sớm, trẻ sẽ tạo được thói quen tốt và mau hết đái dầm.
Bình luận (0)