Ngày trước, không biết có phải do cấu tạo cơ thể hay không mà con trai đầu của tôi khá dễ ọc sữa sau khi ăn. Một lần, cháu bị sặc khá nặng, ho đến tím cả mặt làm vợ chồng tôi hoảng hồn, sau đó còn bị viêm phổi mà bác sĩ cho rằng nguyên nhân ban đầu là do lần ọc sữa đó.
Tôi muốn hỏi, trẻ hay bị ọc sữa có khi nào là bệnh cần chữa không? Tôi đang mang thai song sinh nên cũng mong bác sĩ hướng dẫn giúp cách để tránh cho trẻ bị ọc sữa cũng như xử lý đúng khi tình huống xảy ra.
(Trần Thị Hồng Nga, 36 tuổi, quận Gò Vấp, TP HCM)
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM):
Việc một đứa trẻ hay bị ọc sữa có thể có nhiều nguyên nhân. Nếu thấy trẻ hay bị, bạn cần theo dõi bé để xử lý đúng.
Thứ nhất, một số trẻ hay bị ọc khi lượng sữa bú được tăng lên đột ngột, trẻ chưa kịp thích nghi hoặc quá no so với nhu cầu thật sự của bé. Ví dụ đang bú 120cc, tăng ngay lên 150cc, bé sẽ dễ ọc. Trường hợp này, bạn này xem xét lượng sữa phù hợp với bé, coi có quá nhiều so với độ tuổi và thể trạng của bé không. Khi muốn tăng lượng sữa bú, hãy tăng từ từ.
Thứ hai, nên xem lại sau khi cho con bú, bạn đã để trẻ ở tư thế phù hợp chưa? Lúc mới bú xong, trẻ cần được bồng đứng, vỗ lưng nhè nhẹ cho sữa xuống. Chừng nào bé ợ một cái hãy đặt trẻ nằm. Khi bé còn no, chú ý gối đầu cao một chút.
Nếu trẻ lỡ ọc sữa, bạn hãy đặt trẻ nằm nghiêng một bên cho sữa được thoát ra hết, tránh gây tắc nghẽn đường thở. Thường thì trẻ bị sặc sữa nếu xử lý đúng như vậy thì không để lại vấn đề gì nghiêm trọng. Chỉ một số ít trẻ gặp rắc rối do phần sữa đi vào sâu trong đường thở, trong đó nặng thì có viêm phổi hít – như con trai đầu của bạn đã bị. Khi trẻ có biểu hiện bất thường về đường thở, mắc bệnh hô hấp sau lần sặc sữa, tốt nhất nên đưa bé đi khám sớm.
Ngoài ra, một số bé thực sự có vấn đề về cơ thể nên hay bị ọc sữa do chứng trào ngược dạ dày – thực quản. Trường hợp này, trẻ cần được đưa đến bác sĩ nhi khoa để khám, chẩn đoán và điều trị.
Bình luận (0)