Cụ thể, báo cáo dịch tễ mà Báo Người Lao Động vừa nhận được từ WHO sáng 8-12 thể hiện 1.335.908 ca COVID-19 mới ở Tây Thái Bình Dương tuần qua, chiếm 45% số ca được báo cáo trên toàn cầu.
Tuy vẫn xếp đầu bảng về số ca mới nhưng con số này đã giảm tận 10% so với tuần lễ mới. Đây là lần đầu tiên số ca COVID-19 mới ở Tây Thái Bình Dương giảm rõ rệt sau đà tăng nối tiếp gần 2 tháng. Số ca tử vong cũng giảm 5%, còn 2006 ca.
Số ca cao nhất khu vực này là Nhật Bản (749.895 ca), Hàn Quốc (370.574 ca), Trung QUốc (146.141 ca). Vào tuần trước nhà chức trách Nhật Bản cũng dự báo quốc gia này đang chuẩn bị "qua đỉnh" trong làn sóng thứ 8, sau nhiều tuần là nước có số ca COVID-19 nhiều nhất thế giới.
Bản đồ tỉ lệ số ca mắc mới trên dân số của WHO tuần qua - Ảnh: WHO
Việt Nam được biểu thị bằng màu cam trên bản đồ số ca mắc mới của WHO, cho thấy tỉ lệ số ca mắc hiện nằm trong khoảng 10 đến dưới 50 ca mắc/100.000 dân.
Cũng theo báo cáo dịch tễ này, tuần qua toàn cầu ghi nhận gần 2,98 triệu ca COVID-19 mới trong tuần qua, giảm 3% so với tuần trước. Số tử vong toàn cầu giảm mạnh 17%, chỉ còn 7.833 ca.
Châu Âu vẫn là khu vực xếp thứ 2 về số ca mắc mới với 955.767 ca, chênh lệch dưới 1% so với tuần trước, nhưng tử vong giảm mạnh 19% (2.348 ca).
Ba khu vực dịch tễ khác là Đông Nam Á, Đông Địa Trung Hải và châu Phi cũng ghi nhận số ca giảm so với tuần qua và tổng số ca chỉ khoảng vài ngàn đến vài chục ngàn, một phần do chứa nhiều nước hạn chế về điều kiện xét nghiệm, giám sát.
Sự chú ý của tuần này dồn về phía châu Mỹ, là khu vực dịch tễ duy nhất tăng về số ca với 640.477 ca mới, tăng 14%, tuy số ca tử vong tiếp tục giảm. Điểm nóng của khu vực này là Nam Mỹ, với nhiều quốc gia bị WHO "tô đỏ" trên bản đồ tỉ lệ số ca trên dân số. Tuy vậy nước nhiều ca nhất vẫn là Mỹ (296.333 ca mới).
BQ.1 có dấu hiệu thành dòng ưu thế mới
Hậu duệ mới nổi của BA.5 Omicron - biến chủng phụ thoát miễn dịch BQ.1 và các dòng con của nó bao gồm BQ.1.1 - tiếp tục tăng từ tỉ lệ 27,6% của tuần trước lên 36,2% vào tuần này trong các trình tự gien SARS-CoV-2 được giải mã giám sát toàn cầu.
Tuy nhiên trong phân tích gần nhất về Omicron, WHO cho biết toàn bộ các hậu duệ của biến chủng này đều chỉ có phương thức gây bệnh tương đương nhau, nhẹ hơn so với Delta, nên các dòng mới nổi bao gồm BQ.1 chưa có dòng nào được coi là biến chủng gây lo ngại tiếp theo.
Trong khi đó dòng XBB mà nhiều nước châu Á lo lắng trước đó vẫn chỉ tăng nhẹ về tỉ lệ (4,2% lên 5%). Theo một báo cáo trước đây của WHO, XBB có vẻ chỉ gây tái nhiễm chủ yếu ở nhóm F0 thời "tiền Omicron".
Bình luận (0)