Sáng 28-11, Sở Y tế TP HCM cho biết sau quá trình khảo sát, nghiên cứu, để đánh giá mức độ miễn dịch cộng đồng tại TP, kết quả cho thấy hơn 98% người dân TP có kháng thể phòng ngừa COVID-19.
Người dân đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 mũi 4
Theo đó, công trình khoa học điều tra cắt ngang khảo sát tình hình miễn dịch cộng đồng của người dân TP đối với virus SARS-CoV-2, do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) thực hiện vào tháng 9-2022.
Sở Y tế cho rằng tỉ lệ người dân có miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 (do đã mắc bệnh hoặc do đã tiêm vắc-xin) có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở khoa học để thuyết phục người dân phải tiêm vắc-xin nếu tỉ lệ có kháng thể chưa cao. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ sở khoa học để kêu gọi người dân tiêm nhắc lại theo đúng quy định để duy trì khả năng miễn dịch nếu tỉ lệ có kháng thể tại thời điểm khảo sát đã ở mức bảo vệ cộng đồng.
Tỉ lệ người dân có kháng thể chống lại protein S của vi-rút SARS-CoV-2 và phân bố nồng độ của kháng thể này theo các lứa tuổi khác nhau
Trên tinh thần đó, tháng 9-2022, nhóm nghiên cứu đã tiến hành chọn mẫu ngẫu nhiên trong độ tuổi từ 0 đến trên 70, giới tính và các khu vực địa lý khác nhau trên địa bàn TP. Kết quả cho thấy, có 88.2% trong tổng số 839 mẫu thu nhận có kháng thể kháng N protein; 98,7% người dân đã có kháng thể kháng protein S từ nhiễm tự nhiên hoặc đã tiêm vắc-xin
Về kháng thể kháng protein N - đây là kháng thể chỉ xuất hiện từ việc nhiễm COVID-19 tự nhiên hoặc sau khi tiêm vắc-xin bất hoạt Sinopharm, tỉ lệ dương tính với kháng thể kháng protein N ở các nhóm tuổi khác nhau có phân bố khá tương đồng, dao động từ 86% đến 97% ở các nhóm tuổi từ dưới 5 đến dưới 70 tuổi. Riêng nhóm 70 tuổi trở lên, tỉ lệ này là 76%.
Về kháng thể kháng protein S, có đến 98,7% người dân đã có kháng thể kháng protein S (từ nhiễm tự nhiên hoặc do tiêm vắc-xin). Tỉ lệ này cũng khá tương đồng ở tất cả các địa bàn được khảo sát của TP.
Chỉ còn một tỉ lệ rất nhỏ (1,3%) người dân không có kháng thể kháng protein S. Tuy nhiên, điều này cũng không đồng nghĩa với việc họ không được bảo vệ trước SARS-CoV-2,. Bởi đợt khảo sát này không đánh giá đáp ứng miễn dịch tế bào.
Kết quả phân tích nồng độ kháng thể kháng protein S ở nhóm tuổi 12 trở xuống cho thấy nhóm này có xu hướng thấp hơn so với các nhóm tuổi còn lại. Điều này cũng phù hợp với thực tế về độ phủ vắc-xin ở nhóm này thấp hơn so với các nhóm tuổi còn lại.
Tuy nhiên, mức ngưỡng nồng độ kháng thể dương tính bao nhiêu là bảo đảm đạt mức độ bảo vệ trước biến chủng Omicron hiện nay thì các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang tìm hiểu, chưa có đủ cơ sở khoa học để xác định.
Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục khảo sát diễn tiến huyết thanh học cộng đồng trong đợt tháng 12-2022 và mối liên quan giữa dữ liệu về kháng thể với mức độ nặng của bệnh theo các nhóm tuổi trên địa bàn TP để đánh giá thêm mức độ hiệu quả của miễn dịch cộng đồng đối với SARS-CoV-2.
Với kết quả khảo sát này, ngành y tế kêu gọi người dân TP hãy cùng trách nhiệm bảo vệ và duy trì miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 bằng cách cho người thân trong gia đình và trẻ em (từ 5 tuổi trở lên) đi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 nếu chưa tiêm, và tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung đúng theo quy định.
Bình luận (0)