Theo báo cáo dịch tễ COVID-19 toàn cầu mà Báo Người Lao Động nhận được từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sáng 26-1, tuần qua cả thế giới ghi nhận thêm hơn 1,883 triệu ca COVID-19 mới và 12.744 ca tử vong mới do căn bệnh này, giảm lần lượt 34% và 17% so với dữ liệu 1 tuần trước đó.
Trong 6 khu vực dịch tễ mà WHO phân chia, Tây Thái Bình Dương - cũng là khu vực mà Việt Nam thuộc về - vẫn có số ca COVID-19 cao nhất thế giới là 1.063.388 ca, chiếm 56% số ca toàn cầu và 4.165 ca tử vong, chiếm 33%.
Bản đồ tỉ lệ số ca COVID-19 mới trên dân số, với màu đỏ thể hiện tỉ lệ cao nhất, màu vàng thể hiện tỉ lệ thấp nhất (dưới 10 ca/100.000 dân), các màu xanh lục và xanh dương cho thấy tỉ lệ không những thấp mà còn giảm so với tuần lễ trước - Ảnh: WHO
Tuy vẫn cao nhưng số ca mắc mới của Tây Thái Bình Dương đã thế hiện xu hướng "hạ nhiệt" rõ rệt của dịch bệnh: Giảm tận 39% so với tuần trước. Số ca tử vong cũng giảm 16%.
Ba nước có số ca cao nhất toàn khu vực vẫn là Nhật Bản (672.526 ca), Hàn Quốc (192.638 ca) và Trung Quốc (142.066), nhưng đều là con số giảm mạnh so với tuần trước với tỉ lệ giảm lần lượt là 34%, 33% và 25%.
Ba nước có số ca tử vong cao nhất Tây Thái Bình Dương là Nhật Bản (2.779 ca, giảm 2% so với tuần trước), Trung Quốc (617 ca, giảm 23%), Úc (310 ca, giảm 58%). Tuy nhiên số tử vong của Nhật Bản vẫn đáng lo ngại bởi xét trên dân số thì tỉ lệ lên đến 2,2 ca/100.000 dân.
Trên bản đồ tỉ lệ số ca mắc mới của WHO, Việt Nam được thể hiện với màu xanh dương đậm, thể hiện số ca giảm sâu so với tuần trước. Trên bản đồ tỉ lệ tử vong, Việt Nam được tô màu vàng nhạt thể hiện tỉ lệ tử vong trên dân số rất thấp (dưới 0,5 ca/100.000 dân).
Khu vực có số ca COVID-19 cao thứ hai thế giới là châu Mỹ (540.449 ca, giảm 21%). Khu vực này vẫn gây lo ngại với số ca tử vong cao nhất trong 6 khu vực của WHO (5.857 ca. tăng 1%), trong đó riêng nước Mỹ đã báo cáo 3.922 ca tử vong song song với 323.731 ca mắc mới.
Khu vực có số ca cao thứ ba là châu Âu với 264.653 ca (giảm 33%) và 2.546 ca tử vong (giảm 42%). Ba khu vực dịch tễ còn lại là Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và châu Phi báo cáo số ca không đáng kể (dưới 1% số ca toàn cầu).
Nâng cấp độ cảnh báo đối với XBB.1.5
Dựa trên các nghiên cứu về trình tự gien và sự phát triển của virus gây bệnh COVID-19, Nhóm cố vấn kỹ thuật về sự tiến hóa virus SARS-CoV-2 (TAG-VE) của WHO vừa quyết định nâng mức cảnh báo rủi ro đối với dịch biến chủng phụ XBB.1.5 lên "vừa phải" thay vì "thấp" so với trước đây.
The WHO, XBB.1.5 - dòng con của XBB, một tái tổ hợp của 2 dòng con Omicron BA.2 - đã có tỉ lệ gia tăng trong các trình tự gien được báo cáo ở nhiều quốc gia. Hiện nó là dòng thống trị ở Mỹ (tỉ lệ 75%), đồng thời chiếm 9,9% ở Anh, 3% ở Canada, 2% ở Đan Mạch, 1,5% ở Đức, 1,3% ở Ireland và 1,3% ở Úc.
WHO đánh giá tổng quan về XBB.1.5 một cách thận trọng nhưng không quá gây lo ngại: "Dựa trên các đặc điểm di truyền và ước tính tốc độ tăng trưởng, XBB.1.5 có khả năng góp phần làm tăng các trường hợp mắc trên toàn cầu. Có bằng chứng mạnh vừa phải về việc tăng nguy cơ lây truyền và trốn tránh miễn dịch, không có bằng chứng sớm về sự gia tăng mức độ nghiêm trọng. Dữ liệu liên quan đến XBB.1.5 vẫn còn thấp và chưa thể đánh giá một cách chắc chắn nhưng dường như không có thêm rủi ro sức khỏe cộng đồng so với các dòng dõi hậu duệ khác của Omicron"
WHO và TAG-VE tiếp tục khuyến cáo các quốc gia thành viên tăng cường giải trình tự gien và thực hiện các nghiên cứu liên quan.
Bình luận (0)