Theo báo cáo dịch tễ COVID-19 toàn cầu mà Báo Người Lao Động nhận được từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sáng 20-1, tuần qua toàn thế giới ghi nhận thêm hơn 2,754 triệu ca COVID-19 mới, giảm 9% so với tuần qua; nhưng số ca tử vong thì xấp xỉ tuần qua với 12.923 người. Con số tử vong này cao hơn tới 20% so với 1 tháng trước đó.
Bản đồ tỉ lệ số ca COVID-19 mới trên dân số tuần qua, màu vàng biểu thị tỉ lệ thấp nhất, màu xanh lục và xanh dương cho thấy tỉ lệ thấp đồng thời giảm so với tuần qua; trong khi màu cam và đỏ cho thấy tỉ lệ số ca mắc lớn - Ảnh: WHO
Khu vực "nóng" nhất về dịch bệnh vẫn là Tây Thái Bình Dương, là khu vực dịch tễ bao gồm một phần phía Đông châu Á, các đảo quốc Thái Bình Dương và châu Úc. Toàn khu vực này ghi nhận hơn 1,746 triệu ca COVID-19 mới, chiếm 63% số ca toàn cầu.
Số ca tử vong toàn khu vực tăng cao đột biến với 4.938 ca, tăng tới 43% so với tuần lễ trước và tăng 52% so với 1 tháng trước.
Ba quốc gia báo cáo số ca COVID-19 cao nhất Tây Thái Bình Dương là Nhật Bản (1.025.321 ca, giảm 4% so với tuần trước); Hàn Quốc (286.291 ca giảm 29%) và Úc (191.750 ca, không có dữ liệu đối chiếu về tỉ lệ).
Hai quốc gia Nhật Bản và Úc chiếm phần lớn số ca tử vong của khu vực trong đó Nhật có 2.849 ca, tương đương tỉ lệ cao vọt là 2,3 ca tử vong/100.000 dân. Úc ghi nhận 742 ca tử vong, tỉ lệ 2,9 ca/100.000 dân. Trung Quốc báo cáo 802 ca tử vong tuy nhiên vì dân số đông nên tỉ lệ vẫn dưới 1 ca/100.000 dân, là tỉ lệ thường thấy trên thế giới.
Dù tình hình xung quanh nóng nhưng Việt Nam vẫn được đánh dấu màu xanh lục trên bản đồ tỉ lệ số ca mắc mới (dưới 10 ca/100.000 dân và giảm so với tuần trước) và màu vàng trên bản đồ tỉ lệ tử vong (mức thấp nhất, dưới 0,5 ca/100.000 dân).
Khu vực dịch tễ có số ca nhiều thứ hai thế giới là châu Mỹ với 683.564 ca, giảm 12% so với tuần trước. Khu vực này cũng có số ca tử vong cao là 4.978 ca, tăng 10%, chủ yếu ghi nhận ở Mỹ (3.922 ca tử vong mới, tỉ lệ 1,2 ca/100.000 dân).
Khu vực châu Âu ghi nhận 311.592 ca mới, giảm sâu 35% và 2.826 ca tử vong mới, giảm sâu 40%. Ba khu vực dịch tễ còn lại là Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và châu Phi báo cáo số ca không đáng kể.
Cảnh báo 4 biến chủng "xuyên thủng miễn dịch" cực mạnh
WHO cho biết các bằng chứng mới trong phòng thí nghiệm nhấn mạnh 4 biến chủng COVID-19 là BQ.1, BQ.1.1, BF.7 và BA.2.75.2 có khả năng kháng trung hòa được tăng cường mạnh mẽ so với dòng dõi bố mẹ ở cả những người có miễn dịch nhờ tiêm chủng hay từng mắc COVID-19.
Trong đó BA.2.75.2 cho thấy khả năng kháng trung hòa đáng kể nhất, được thúc đẩy bởi đột biến F486S.
Ngoài ra, ở những cá nhân bị nhiễm đột phá BA.5.1.2, BA.2.76 hoặc BF.7 (nhiễm sau khi đã tiêm chủng, một nghiên cứu cho thấy sự suy giảm đáng kể hoạt tính trung hòa đối với BQ.1 và BQ.1.1 so với BA.1, BA.2, BA.2.75, BA.4, BA.5 và và BF.7.9. Tức những người đã từng mắc BA.5.1.2, BA.2.76 hoặc BF.7 có khả năng tái nhiễm với 5 dòng nêu trên cao hơn những người từng mắc BQ.1 và BQ.1.1.
Dựa trên các trình tự gien SARS-CoV-2 mới nhất được tổng hợp về cơ sở dữ liệu chung GISAID thì dòng thống trị toàn cầu vẫn là BQ.1 và các hậu duệ (54,37%), phổ biến tiếp theo là XBB và các hậu duệ (8,36%) và BA.5 mang các đột biến bổ sung (8,84%).
Bình luận (0)