Dựa theo 24.884 trình tự gien SARS-CoV-2 được các nhà khoa học khắp thế giới tổng hợp về cơ sở dữ liệu chung GISAID trong 1 tháng qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện vẫn xếp 2 biến chủng XBB.1.5 và XBB.1.16 vào diện "biến chủng cần được quan tâm" (VOI), theo báo cáo mà Báo Người Lao Động nhận được từ WHO sáng 19-5.
Trong khi đó, có 7 dòng con của Omicron khác được xếp vào diện thấp hơn là "biến chủng đang được theo dõi" (VUM): BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBB.1.9.1, XBB.1.9.2, XBB.2.3 và nhóm các XBB khác trừ 5 loại đã nêu.
Các VOI và VUM đang được theo dõi - Ảnh: WHO
Như vậy, XBB.2.3 là dòng mới được thêm vào danh sách VUM. Biến thể này được lưu tâm từ vài tuần trước khi bắt đầu tạo nên một dòng biến chủng tương đối nổi trội tại khu vực Đông Địa Trung Hải.
Trong số đó, có 5 loại đang tăng trưởng là XBB.1.16 (11,65%, tăng so với mức của tuần trước là 9,24%), XBB.1.9.1 (13,94%, tuần trước là 13,63%). XBB.1.9.2 (4,11%, tuần trước là 4,09%), XBB.2.3 (4,64%, tuần trước là 3,42%), các XBB khác (9,85%, tuần trước là 7,64%).
Tuy nhiên, WHO cũng khẳng định: "Bằng chứng sẵn có không cho thấy sự gia tăng mức độ nghiêm trọng đối với dòng dõi con cháu XBB".
Theo WHO, bột nghiên cứu dịch tễ học được tiến hành tại Singapore để đánh giá mức độ nghiêm trọng của các biến chủng SARS-CoV-2 mới ở 3.798 người không tìm thấy dấu hiệu đáng kể nào trong vấn đề thay đổi tỉ lệ nhập viện.
Các biến chủng mới thể hiện rõ khả năng lây lan nhanh, thoát miễn dịch gây nhiễm đột phá và tái nhiễm, tạo nên làn sóng mới, nhưng không có dấu hiệu thay đổi về độc lực (khả năng gây bệnh nặng và tử vong).
Khuyến khích nghiên cứu vắc-xin chứa thành phần chống XBB
Nhóm Cố vấn kỹ thuật về thành phần vắc-xin COVID-19 vừa đưa ra tuyên bố hôm 18-5 về việc cập nhật công thức vắc xin COVID-19 trong tương lai.
Nhóm đánh giá hiệu suất của vắc-xin COVID-19 hiện có trong bối cảnh tiến hóa của virus, cho thấy chúng tiếp tục tạo được khả năng bảo vệ cao khỏi bệnh nghiêm trọng và tử vong.
Việc cập nhật thành phần vắc-xin có tính đến sự tiến hóa của virus và các biến chủng đang lưu hành, đồng thời nhằm mục đích cải thiện khả năng bảo vệ chống lại bệnh có triệu chứng.
Nhóm gợi ý rằng các công thức vắc-xin COVID-19 trong tương lai cần lưu ý đến biến thể mới hơn trong thành phần của chúng, tức là các dòng hậu duệ của XBB.1.
WHO vẫn khuyến khích mạnh mẽ việc sử dụng các loại vắc-xin COVID-19 được cấp phép hiện có.
Theo khuyến nghị được ban hành tháng trước, có 2 nhóm được khuyến nghị tiêm chủng. Ưu tiên 1 là nhóm nguy cơ (người cao tuổi, mang thai, có bệnh gây suy giảm miễn dịch nghiêm trọng...), tiêm nhắc mỗi 6-12 tháng tùy tình hình ở từng quốc gia. Tiếp theo là nhóm người trưởng thành khỏe mạnh dưới 60 tuổi và trẻ em có bệnh nền nặng, được yêu cầu tiêm đủ mũi cơ bản và 1 mũi tăng cường.
Bình luận (0)