Một người đàn ông tử vong nghi do thời tiết nắng nóng - Ảnh: Minh Ngọc
Sự việc xảy ra vào chiều ngày 18-5, trước cửa nhà của một hộ dân trên đường Yên Phụ, thuộc phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội.
Theo thông tin từ những người chứng kiến, thời gian trên, cụ ông khoảng 70 tuổi trong lúc trú nắng ở trước cửa nhà dân đã bất ngờ nằm bất tỉnh trước hiên nhà trong khi trời đang nắng nóng gay gắt. Khi lại gần, người dân phát hiện nạn nhân đã tử vong và báo cơ quan chức năng. Bên cạnh cụ ông này vẫn còn một ít đồ ăn do người đi đường đem đến nhưng nạn nhân chưa kịp dùng hết.
Người đàn ông này được xác định là người vô gia cư mới xuất hiện và sinh sống lang thang ở các địa điểm công cộng và không có người thân. Các nhân chứng cho rằng nhiều khả năng nạn nhân bị sốc nhiệt vì thời điểm đó đang nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ngoài trời rất cao, tới trên 40 độ C.
Sự việc đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Trước nguy cơ sốc nhiệt do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt tại Hà Nội và nhiều địa phương, các bác sĩ cảnh báo nắng nóng có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ, thậm chí tử vong do sốc nhiệt khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai), nắng nóng tác động rất lớn đến sức khoẻ con người. Không chỉ có những nhóm nguy cơ cao như người già, trẻ em, người có bệnh mãn tính... dễ đổ bệnh mà ngay cả những thanh niên, người trẻ tuổi cũng có thể "gục" vì say nắng, say nóng. "Say nắng là hiện tượng rất thường gặp trong mùa hè. Các biểu hiện có thể gặp như: Mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu... ngoài ra có thể gây đột quỵ, nếu không xử trí kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục, thậm chí dẫn tới tử vong. Năm nào Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận những trường hợp đang đi ngoài đường nóng thì ngất xỉu, sốc được người dân đưa vào cấp cứu" - PGS Chi nói.
Trên trang World Weather Online, chỉ số UV tại Hà Nội ngày 19-5 được dự báo là 11 - Ảnh: T.Hương
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, nếu phải làm việc ngoài trời trong điều kiện môi trường nhiệt độ cao nóng bức, phải mặc quần áo chuyên dụng và có giờ giấc nghỉ ngơi hợp lý. Nếu cảm thấy người có dấu hiệu say nóng, say nắng với những biểu hiện choáng váng, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt... cần nghỉ ngơi ngay và tìm cách hạ thân nhiệt. Khi gặp các trường hợp bị sốc nhiệt do nắng nóng, cần đưa nạn nhân đến chỗ thoáng mát, sau đó cởi bớt quần áo, uống nước có pha muối (đường, hoặc nước chanh...) và chườm lạnh cho người bệnh ở những vị trí như: cổ, nách, bẹn, lưng.
Tia UV tại Hà Nội ở mức nguy hại, người dân nên hạn chế ra ngoài
Theo trang thời tiết World Weather Online, dự báo chỉ số tia cực tím (UV) tại Hà Nội trong ngày 19-5 là 11, mức cực kỳ nguy hại cho da và mắt. UV ở mức từ 11 trở lên được cho là cực kỳ cao, có nguy cơ làm bỏng da, mắt nếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong 10 phút mà không được bảo vệ.
Các chuyên gia da liễu cho biết tác hại cấp tính phổ biến nhất của tai UV là cháy nắng do tiếp xúc quá mức trong thời gian ngắn. Nếu tiếp xúc với tia UV tích lũy, hay việc phơi nắng khi tia UV cao xảy ra thường xuyên và kéo dài, có thể dẫn đến lão hóa da sớm, đặc biệt là ung thư da. Do đó trong những ngày nắng nóng gay gắt, người dân hạn chế ra ngoài trời từ 10-16 giờ. Nếu buộc phải ra ngoài, nên dùng các biện pháp bảo vệ như thoa kem chống nắng, đeo kính râm, mặc quần áo dài, đội mũ rộng vành. Trẻ em khi phải ra ngoài cần được che chắn, bảo hộ, thoa kem chống nắng như người lớn.
Bình luận (0)