Sáng 8-6, nhiều người dân đưa trẻ đến tham gia khởi động chương trình "Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao năm 2019 (lần 3)" do Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tổ chức. Các bác sĩ chuyên khoa nội tiết đã chia sẻ chuyên môn, cách phát hiện và điều trị bệnh lý chậm phát triển chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng này.
Trẻ cần được phát hiện, can thiệp sớm bệnh chậm tăng trưởng chiều cao để khỏi ảnh hưởng cuộc sống sau này
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thư Hương, Khoa Nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, thiếu hormone tăng trưởng là bệnh lý hiếm gặp với tỉ lệ mắc 1/4000 – 1/10.000, không có nguyên nhân, có thể xảy ra ở trẻ em mọi độ tuổi cho đến trước khi dậy thì.
Biểu hiện bên ngoài không có gì đặc biệt ngoài vấn đề chiều cao của bé sẽ không tăng hoặc tăng rất chậm và kết quả cuối cùng dẫn đến trẻ sẽ có chiều cao thấp hơn nhiều so với độ tuổi.
Vì vậy, các bậc cha mẹ nên đo chiều cao cho trẻ mỗi 6 tháng/lần hoặc tốt nhất là 3 tháng/lần và vẽ lên biểu đồ tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nếu phát hiện tốc độ tăng trưởng dưới 2cm trong 6 tháng thì có nghĩa là chiều cao của bé đang có dấu hiệu bất thường.
Lãnh đạo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trực tiếp chia sẻ kiến thức căn bệnh hiếm này đến người dân
Nếu bé đi khám nhi tổng quát, dinh dưỡng và xác nhận không có bệnh lý, không bị suy dinh dưỡng thì lúc này phụ huynh nên đưa bé đi khám bác sĩ nội tiết, đặc biệt là bệnh lý thiếu hormone tăng trưởng gây ảnh hưởng sự phát triển chiều cao của trẻ.
"Thiếu hormone tăng trưởng đơn thuần không ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ nhưng ảnh hưởng đến chiều cao, gây nên những bất lợi trong cuộc sống cũng như nghề nghiệp cho trẻ trong tương lai"- BS Hương khuyến cáo.
Bình luận (0)