Báo cáo trên StatNews mới đây cho rằng việc chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19 đã làm giảm mạnh số ca bệnh cúm trên toàn cầu. Trên thực tế, mùa cúm 2020 - 2021 dường như không tồn tại, trong khi nhiều bệnh truyền nhiễm thông thường khác cũng giảm đáng kể.
Bản vẽ 3D trên máy tính của toàn bộ virus cúm có màu xanh lam bán trong suốt với nền xanh nước biển
Hiện nay, có một số chủng cúm các nhà khoa học đã không còn tìm thấy - đồng nghĩa chúng có thể đã "tuyệt chủng" trong thế giới loài người.
Ví dụ, thông tin về một trong các nhóm H3N2 và một dòng virus cúm B (còn được gọi là B/Yamagata) đã không được thêm vào bất kỳ cơ sở dữ liệu quốc tế nào để theo dõi sự tiến hóa của virus cúm kể từ tháng 3-2020. Điều này cho thấy chúng đã bị loại trừ khỏi đời sống con người nhờ sự chung tay ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 trên khắp toàn cầu.
Nhà sinh vật học Trevor Bedford, thuộc Trung tâm Nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson ở Seattle - Mỹ, cho biết: "5-6 chủng (H3N2) từng xuất hiện nhưng bây giờ chỉ còn có 2 hoặc 3 chủng".
Virus cúm có 4 loại A, B, C và D. Virus cúm A và B ở người thường liên quan đến cúm mùa, trong khi chỉ virus cúm A được biết đến có khả năng gây ra đại dịch cúm.
Sau đó, virus cúm A được phân chia một lần nữa thành các phân nhóm dựa trên 2 protein ở bề mặt của virus hemagglutinin (H) và neuraminidase (N). Chẳng hạn, H3N2 dùng để chỉ virus cúm A với phân nhóm hemagglutinin 3 và phân nhóm neuraminidase 2. Chúng cũng có thể được chia thành các nhóm và phân lớp tiếp theo. Mặt khác, cúm B không có phân nhóm nhưng được chia thành hai dòng B/Victoria và B/Yamagata.
Có thể khẳng định còn nhiều chủng cúm vẫn tồn tại, song quan sát gần đây cho thấy H3N2 đã giảm đi đôi chút - điều này sẽ giúp cho quá trình phát triển vắc-xin dễ dàng hơn.
Bình luận (0)