Theo bác sĩ Phạm Nguyên Thái, khoa Tai Mũi Họng, thành viên ê kíp phẫu thuật, hầu hết thời gian phẫu thuật là để tìm ra viên đạn bởi cho dù xác định được qua chẩn đoán hình ảnh ban đầu nhưng con đường đến với dị vật rất khó khăn bởi bị nhiều tổ chức quan trọng của cơ thể che lấp, bao gồm cả mạng lưới thần kinh và mạch máu quan trọng vùng đầu - cổ bệnh nhân.
Bé T. và cha đang kể lại quá trình bị nạn với giới truyền thông. Theo cha bé T., lúc xảy ra nạn T. đang đi một mình, ông nghe tin dữ mới vội chạy từ rẫy về đưa con đi cấp cứu
Ca phẫu thuật có sự tham gia tại chỗ của khoa chẩn đoán hình ảnh nhằm xác định viên đạn theo từng chặng đường. Bác sĩ Phan Gia Duy Linh, khoa tai mũi họng, cho biết việc tìm kiếm dị vật phải diễn ra hết sức chậm bởi chỉ cần một chút sơ sẩy, chạm vào thần kinh, mạch máu… là có thể xảy ra tai biến khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Ca mổ rất phức tạp và kéo dài đến 4 giờ.
Việc tìm ra viên đạn trong khoảng thời gian trên cũng đã là khá nhanh, bởi theo y văn, đã có những ca mổ 7-10 giờ vẫn không tiếp cận được dị vật. Bé nhập viện vào ngày chủ nhật 27-9 và được mổ vào sáng thứ hai 28-9. Viên đạn khi bị lấy ra đã bắt đầu rỉ sét.
Theo bác sĩ Linh, dù cho ca mổ phức tạp nhưng việc phẫu thuật phải được sắp xếp nhanh chóng bởi viên đạn súng săn này là dạng đạn tự chế nên rất dễ rỉ sét và nếu để lâu quá có thể gây áp xe cổ. Nếu bị áp xe, ca mổ sẽ phức tạp hơn rất nhiều và cũng nguy hiểm hơn rất nhiều.
Còn theo ông Phạm Mạnh Tiến, Kỹ thuật viên trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, việc tìm kiếm viên đạn qua chẩn đoán hình ảnh trong tình huống này cũng khá khó khăn. Để phục vụ ca mổ, máy X-quang được đem vào tận phòng phẫu thuật để vừa phẫu thuật vừa chụp từng bước.
Trước đó, bé T. khi đang đi bộ ngoài đường thì bỗng nghe một tiếng “bụp” và máu từ trong tai chảy ra. Sau đó, em đã được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện huyện, sau đó được chuyển lên bệnh viện tỉnh, rồi Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhi Đồng 1. Bác sĩ Linh cho biết viên đạn lấy ra có kích thước khoảng 4 mm, giống như một viên bi xe đạp. Lúc xảy ra tai nạn khoảng 6 giờ tối và bé T. cũng không biết viên đạn đến từ đâu.
*Sáng cùng ngày, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tổ chức cuộc họp báo công bố ca phẫu thuật bướu máu ở gan thành công cho bé T.
Ca mổ kéo dài tới 4 giờ đồng hồ, trong đó giai đoạn bóc tách chiếm gần 3 giờ. Bé T. trước đây từng là bệnh nhân của Bệnh viện Nhi Đồng 1, đã điều trị bướu máu bẩm sinh ở má phải bằng cách chích thuốc gây xơ.
Đến nay, khi bướu ở má đã khỏi thì gia đình lại tiếp tục phát hiện bụng bé phình to, bé cũng chậm tăng trưởng hơn trẻ cùng tuổi (2 tuổi nhưng chỉ nặng 9,5 kg) nên đã quay lại bệnh viện khám cách đây 1 tháng.
Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy một khối bưới chiếm gần trọn phần gan phải của bé. Nếu không được giải quyết, bướu sẽ tiếp tục phình to và xâm lấy thêm, có thể gây mất chức năng gan, suy tim và tử vong.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu đang kiểm tra vết mổ cho bé T.
Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, phó giám đốc bệnh viện, thành viên ê kíp phẫu thuật cho bé T., đây là một ca mổ rất khó khăn bởi nguy cơ chảy máu ồ ạt khi mổ là rất cao (vùng gan, khối bướu lớn…). Tuy nhiên, do khối bướu to và xâm lấn nhiều nên vẫn phải chọn phương án phẫu thuật thay vì điều trị nội khoa để bướu nhỏ dần. Ca mổ diễn ra vào ngày 29-9 và đến nay sức khỏe của cháu bé hoàn toàn ổn định, vết mổ đã khô.
Các bác sĩ đang kể lại trường hợp của bệnh nhi T.
“Sáng nay 1-10, chúng tôi đã lấy kết quả giải phẫu bệnh khối bướu về và xác định lại chắc chắn đây là một bướu máu lành tính ở gan chứ không phải ác tính như lo sợ ban đầu. Điều đó có nghĩa rằng sau cuộc phẫu thuật này, em bé đã hoàn toàn khỏe mạnh bình thường.” – bác sĩ Hiếu kể lại.
Vị bác sĩ này cho biết sáng nay, khi các bác sĩ thông báo kết quả cho cha cháu bé, ông đã khóc, bởi trước đó gia đình không ai dám nghĩ sẽ có ngày bé khỏe mạnh bình thường. Trước đó, thậm chí gia đình còn có ý định đưa bé về và chờ đợi điều xấu nhất, bởi biết rằng ca mổ rất nhiều nguy cơ. Tuy nhiên chúng tôi đã cố gắng thuyết phục và cuối cùng đã có kết quả mỹ mãn.
Ca phẫu thuật đã cắt đi 75% gan phải của bé, tuy nhiên theo các bác sĩ với phần gan trái và khối lượng gan phải còn lại vẫn bảo đảm hoạt động của cơ thể bé. Tế bào gan cũng sẽ tự tái tạo và dần dần sẽ tự hoàn chỉnh lại lá gan như cũ.
Bình luận (0)