Thứ Sáu, 10/1/2025
xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đã có phác đồ mới điều trị “bệnh lạ”

Ngọc Dung

Phác đồ mới tập trung điều trị triệu chứng, tăng cường dinh dưỡng. Cấp gạo, hỗ trợ tiền cho người dân vùng bệnh

Hơn 1 năm khởi phát tại huyện Ba Tơ - Quảng Ngãi, “bệnh lạ” (hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân) đã cướp đi mạng sống của 19 người và hơn 170 người mắc. Cùng với việc ban hành phác đồ điều trị mới, Bộ Y tế cho biết trong một vài ngày tới sẽ tiến hành lấy mẫu, nghiên cứu, truy tìm căn nguyên gây ra căn bệnh quái ác này.

Tập trung điều trị triệu chứng

Phác đồ điều trị mới của Bộ Y tế xác định “bệnh lạ” là “hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân”, với các biểu hiện tổn thương như mảng da đỏ thẫm, ranh giới rõ với da lành, dày sừng nứt nẻ, bong vảy ở bàn tay, bàn chân. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, phác đồ mới này sẽ thay thế phác đồ cũ ban hành hồi tháng 1-2012.

img

Người dân làng Rêu, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ đang làm heo cúng tế ma trừ “bệnh lạ”. Ảnh: NIÊM HÀ

Bộ Y tế đã tiến hành phân loại mức độ của bệnh. Theo đó,  bệnh ở mức độ nhẹ được xác định khi có thương tổn da như mô tả ở trên, đồng thời men gan trong máu tăng không quá 5 lần. Mức độ nặng và biến chứng khi có tổn thương da kể trên, kèm theo một trong các biểu hiện như mệt mỏi, chán ăn nhiều; men gan (SGOT, SPOT) tăng trên 5 lần; da, củng mạc mắt vàng, tăng billirubin trong máu; xuất huyết; Prothrombin máu giảm dưới 70%; giảm tiểu cầu trong máu; hạ đường huyết; nhiễm trùng (sốt, bạch cầu tăng hoặc giảm). Với phác đồ mới này, Bộ Y tế cũng lưu ý việc phát hiện những biến chứng và các bệnh kèm theo như nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, sốt mò, sốt rét, viêm phổi, leptospira, viêm màng não, hôn mê, co giật.

Dựa theo phân loại, Bộ Y tế hướng dẫn đối với những trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ sẽ được điều trị tại bệnh viện huyện hoặc các đơn vị chuyên khoa da liễu. Bệnh nhân được điều trị tổn thương da bằng các loại mỡ hoặc kem có corticoid, thuốc mỡ salicylic 2%-10% và một số loại kem làm mềm da, dịu da (Vaselin, kem kẽm).  Với trường hợp bệnh ở mức độ nặng và biến chứng, cần phải được điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu của các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hoặc Trung ương. Trường hợp cần thiết phải hội chẩn với các chuyên khoa có liên quan.

Đối với các trường hợp có nhiễm trùng kèm theo, cần thăm khám kỹ định hướng chẩn đoán sớm, tích cực tìm nguyên nhân bằng cách chụp phổi, cấy máu tìm vi khuẩn, ký sinh trùng sốt rét, làm xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán rickettsia, leptospira, công thức máu... Bệnh nhân được chỉ định lọc máu nếu có suy thận, suy gan, nhiễm toan chuyển hóa nặng, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng...   

Truy tìm nguyên nhân gây bệnh

Tại hướng dẫn điều trị theo phác đồ mới này, Bộ Y tế cũng lưu ý “bệnh lạ”  dễ có nguy cơ tiến triển nặng ở  trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất, thiếu máu.  Bộ Y tế khuyến cáo người dân, nhất là trong các vùng có người mắc “bệnh lạ” cần vệ sinh môi trường sạch sẽ; đi giày dép; tăng cường rửa tay, chân bằng nước sạch, nhất là sau khi lao động; tránh tiếp xúc với các hóa chất, nhất là các thuốc trừ sâu, diệt cỏ; sử dụng các phương tiện bảo hộ an toàn, đúng quy cách trong khi lao động; ăn uống đầy đủ, hợp vệ sinh.

Theo kế hoạch, từ ngày 8-5 tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm nguyên nhân gây ra căn bệnh này tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ - Quảng Ngãi. Theo đó, bộ sẽ nghiên cứu ngẫu nhiên tại 30 gia đình có người mắc “bệnh lạ” và khoảng 60 gia đình chưa có người mắc bệnh. Dựa trên cơ sở điều tra dịch tễ học, đối chiếu, kết hợp lấy mẫu nước, thực phẩm, thực vật, mẫu đất, mẫu phân… để truy tìm nguyên nhân gây “bệnh lạ”.

Cục Y tế dự phòng và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ là đầu mối đợt nghiên cứu nói trên. Theo ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện vẫn chưa có kết quả xét nghiệm của các mẫu bệnh phẩm lấy tại Quảng Ngãi. Dự kiến, trong tuần tới, Bộ Y tế sẽ có thông báo chính thức các yếu tố nguy cơ gây ra “bệnh lạ”.

Về đề nghị giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế trong việc tìm kiếm nguyên nhân “bệnh lạ”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết thời điểm này chưa cần đến sự giúp đỡ của các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ.

Khám, hội chẩn 21 bệnh nhân mắc “bệnh lạ”

Ngày 4-5, đoàn bác sĩ Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã tổ chứckhám cho 21 bệnh nhân mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ. Trong số này có 4 trường hợp mắc bệnh rất nặng, tình hình sức khỏe nguy kịch.

Ngay sau khi khám, các bác sĩ đã hội chẩn đưa ra các phương pháp tăng cường nâng cao thể trạng, ăn uống dinh dưỡng, truyền đạm, thải độc, truyền dịch, bảo vệ tế bào gan theo phác đồ điều trị mới của Bộ Y tế.

Cùng ngày, ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho biết tỉnh Quảng Ngãi sẽ phân bổ đợt đầu60 tấn gạo cho người dân xã Ba Điền, nơi xảy ra “bệnh lạ”, thay thế cho số gạo trong dân bị mốc mà đoàn công tác của Bộ Y tế nghi nhiễm độc tố. Bình quân mỗi người dân trong xã sẽ được nhận 15 kg gạo trong đợt này.

Đến nay, huyện Ba Tơ cũng đã tiếp nhận 1 tỉ đồng từ Quỹ Cứu trợ của Trung ương để hỗ trợ cho người dân vùng bệnh. Quỹ Cứu trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng hỗ trợ cho mỗi gia đình có người bị “bệnh lạ” 2 triệu đồng, người chết 4,5 triệu đồng.
X.Long

Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo