Lãnh đạo Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết trong 5 ngày nghỉ lễ (từ 27-4 đến 1-5), BV này đã tiếp nhận 5 bệnh nhân cúm với biến chứng viêm phổi. Kết quả xét nghiệm cho thấy 2 người dương tính với cúm A/H1N1. Hai người này đều là nam giới, trên 80 tuổi, sống tại 2 xã của huyện Thường Tín - Hà Nội. Ngoài ra, còn có 3 bệnh nhân khác nhiễm cúm A đang được tiếp tục xét nghiệm tìm type H.
Nhiều chùm ca bệnh
Cũng trong thời gian nghỉ lễ, tại tỉnh Lào Cai có 2 ổ dịch cúm gồm 8 trường hợp dương tính với virus cúm A/H1N1. Trong đó có 3 học sinh tại Trường THPT nội trú và 5 trường hợp khác thuộc 2 gia đình ở xã Quang Kim, huyện Bát Xát. 34 học sinh khác tại Trường THPT nội trú bị nghi nhiễm cúm A/H1N1 cũng có các triệu chứng đau người, đau đầu, sốt, viêm họng kèm hắt hơi, sổ mũi, ho…
Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái cho biết từ giữa tháng 3 đến nay, đã có 24 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1. Trong đó, chỉ 15 trường hợp điều trị lành còn 9 người đang được điều trị. Các bệnh nhân đều có biểu hiện chung của hội chứng cúm. Hai trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 ngụ Yên Bái được chuyển về Hà Nội trước đó đã tử vong sau nhiều ngày điều trị tích cực. Trong đó, 1 bệnh nhân nam 23 tuổi sau khi nhiễm cúm A/H1N1 đã lây bệnh cho nhiều thành viên khác trong gia đình.
GS-TS Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng sự bùng phát trở lại của cúm A/H1N1 rất đáng ngại bởi virus này có tốc độ lây lan nhanh qua đường hô hấp. Năm 2009, đại dịch cúm A/H1N1 xuất hiện ở trên 90 quốc gia và gây nhiễm bệnh cho hàng chục ngàn người, cướp đi sinh mạng của hơn 300 người. Vì vậy, rất đáng lo ngại khi chỉ trong hơn 1 tháng qua, đã có 3 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1 và đều là thành viên trong số những chùm ca bệnh.
Làn sóng mới của đại dịch?
GS-TS Trịnh Quân Huấn đề nghị cần có nghiên cứu về nguồn ca bệnh để kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng. Năm 2012, tỉ lệ bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 là rất thấp nhưng đầu năm 2013 thì bùng lên với nhiều ca và chùm ca bệnh. Dù chưa tìm thấy sự tái tổ hợp ở chủng virus cúm thường này nhưng việc xuất hiện từng chùm ca bệnh là rất đáng lo ngại.
Kết quả giám sát gần 1.000 mẫu về hội chứng cúm từ đầu năm 2013 tới nay cho thấy trong số 119 mẫu dương tính với hội chứng cúm thì tỉ lệ nhiễm cúm A/H1N1 là cao nhất (48%), tiếp đến là cúm B và cúm A/H3N2.
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, khi lưu hành như một virus cúm mùa thì sự trỗi dậy của cúm A/H1N1 là điều bình thường. Virus cúm này bùng phát vào năm 2009, khi đó nước ta xét nghiệm được khoảng 100.000 trường hợp nhưng số ca nhiễm thực tế có thể gấp nhiều lần. Cả nước vẫn còn khoảng 80 triệu người chưa có miễn dịch và đều có khả năng mắc bệnh. Cúm A/H1N1 thường gây ra các triệu chứng cúm nhẹ và đa số bệnh nhân tự khỏi. Tuy nhiên, nhiều trường hợp có thể gây biến chứng viêm phổi, suy đa tạng, viêm cơ tim, gây nguy hiểm cho tính mạng.
Trong khi đó, một chuyên gia dịch tễ cho rằng theo lịch sử của các đại dịch cúm, đại dịch khởi phát thường là các đợt cúm lẻ tẻ, bệnh nhẹ rồi có thêm nhiều chùm ca bệnh với số lượng bệnh nhân tăng cao. Sau đó, dịch mới bùng phát mạnh với tỉ lệ tử vong cao của một loại virus cúm. Việc trở lại của các chùm ca nhiễm cúm A/H1N1, trong đó nhiều người bệnh nặng, cho thấy không loại trừ xuất hiện một làn sóng mới của đại dịch này. Do đó, nếu người dân không có ý thức phòng bệnh thì nguy cơ bùng phát cúm A/H1N1 là rất lớn.
Cần phát hiện bệnh sớm Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, năm 2013, số ca nhiễm cúm nặng cao hơn 2 năm trước, trong đó 1/2 là thanh niên và nam giới có sức khỏe tốt. Người dân cần phát hiện bệnh sớm, nếu có sốt, ho kéo dài, đau cơ… thì phải đến ngay cơ sở y tế điều trị để tránh biến chứng. Với những bệnh nhân có biến chứng viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng thì khả năng cứu sống rất thấp. Kể từ khi khởi phát các triệu chứng cúm thì virus có thể lưu hành trên người bệnh 7 ngày và phát tán ra môi trường, lây lan cho người khác nếu như không cách ly. |
Bình luận (0)