Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Phát, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực (ICU), Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, cả hai người được đưa vào bệnh viện này cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Sau khi bị đàn ong tấn công, người phụ nữ chạy vào nhà thì đàn ong bay theo, đốt thêm 3 người khác. Cả bốn người đều phải nhập viện cấp cứu. Khi vào Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, toàn thân bệnh nhân có hàng chục vết hoại kèm sốc phản vệ, trụy mạch, suy gan, suy thận nặng, tiểu ra máu. Người bệnh phải điều trị tích cực và phải lọc máu khẩn cấp tại khoa Hồi sức Tích cực 2 ngày liên tục. Ba người nhà bị nhẹ hơn.
Còn người đàn ông 68 tuổi bị ong đốt khi đang dọn kho chứa gỗ. Đàn ong đốt khắp vùng đầu, mặt, cổ, gáy, lưng. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân lơ mơ, khó thở, vị trí các vết đốt sưng nề, đau dữ dội. Tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch nên được chuyển lên khoa ICU để lọc máu, điều trị chống nhiễm trùng, truyền dịch để đưa chất độc ra ngoài cơ thể.
Hơn 100 vết đốt của ong vò vẽ trên người đàn ông. Ảnh: BVCC
Hiện, sức khỏe các bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện, bác sĩ Nguyễn Tấn Phát, Trưởng khoa ICU, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh cho biết.
Theo bác sĩ Phát, nọc của ong vò vẽ rất độc và nguy hiểm vì có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ, tan máu, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, tổn thương cơ, tổn thương thận nặng... Nếu không thực hiện lọc máu liên tục (CRRT), người bệnh bị đe dọa tính mạng. Do đó, cách tốt nhất là nên tránh để bị đốt, cố gắng tránh tiếp xúc với ong, người lớn cần căn dặn trẻ em không nên đến gần tổ ong, không ném, phá hay lấy que chọc tổ ong.
"Trường hợp bị ong tấn công, cần che vùng đầu để không bị đốt, tiếp đến tìm cách dùng tay bới đất cát vung lên để xua đuổi ong bay đi chỗ khác hoặc nếu có ao nước mà biết bơi lặn, có thể lặn xuống nước để tránh bị ong đốt. Dùng mùn rơm hoặc giẻ tẩm dầu đốt có nhiều khói để xua ong đi nơi khác làm tổ. Tuyệt đối không được dùng quần áo, gậy xua vì sẽ khiến ong càng bu vào tấn công" - bác sĩ Phát khuyến cáo.
Bác sĩ thăm khám bệnh nhân khi đã dần hồi phục. Ảnh:BVCC
Khi bị ong đốt một vài nốt, bác sĩ Phát cho hay phải sơ cứu để lấy nọc độc bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy từng vòi chích của ong ra (đối với loại ong để lại kim khi đốt) và có thể theo dõi tại nhà.
Nếu bị ong vò vẽ đốt từ 5 - 10 nốt trở lên và hoặc vài nốt nhưng có dấu hiệu nặng như sưng đau, người thấy khó chịu, mệt mỏi hoặc các nốt đốt ở những vị trí ở đầu, mặt cổ với số lượng nhiều... cần phải đưa vào bệnh viện càng sớm càng tốt để các bác sĩ có thể sơ cứu kịp thời, truyền nhiều dịch để đào thải độc tố ra ngoài, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Bình luận (0)