xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đáng lo trầm cảm sau sinh!

ANH THƯ

Phân biệt giữa bệnh lý trầm cảm và những cơn buồn chán, mệt mỏi thông thường ở phụ nữ sau sinh có ý nghĩa rất quan trọng

Vừa qua, thông tin cháu bé 33 ngày tuổi ở thôn Đình, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội bị dìm chết trong chậu nước nghi do thù oán cá nhân đã làm rúng động dư luận. Càng bàng hoàng hơn khi thủ phạm lại chính là người mẹ trẻ sinh năm 1997.

Nhiều người nản sau sinh

ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP HCM, cho biết trầm cảm sau sinh thường xuất hiện từ ngày thứ 4, thứ 5 sau cuộc "vượt cạn". Sản phụ sẽ có các biểu hiện như buồn bã, hay cáu gắt, mất ngủ, ngồi mãi một chỗ, ít quan tâm đến xung quanh, kể cả việc chăm sóc hay cho con bú. Nhiều trường hợp họ còn than vãn thường xuyên, khóc lóc và lo lắng vô cớ. Trầm cảm sau sinh nếu không được can thiệp kịp thời có thể khiến bệnh ngày một nặng dẫn đến những hậu quả cho sức khỏe người mẹ, thậm chí họ có thể có những hành động gây hại đến sự an toàn của đứa bé hoặc tự hủy hoại.

Trong một nghiên cứu của Cheryl Zauderer - một nữ hộ sinh, điều dưỡng tâm thần, giảng viên Học viện Công nghệ New York (Mỹ) - được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành The Journal of Perinatal Education (tạp chí Giáo dục Chu sinh) vào năm 2009, tỉ lệ phụ nữ buồn nản sau sinh có thể lên đến 80%. Giai đoạn này liên quan đến sự thay đổi hormone nhẹ trong 48 giờ đầu sau sinh và có thể kéo dài đến 6 tuần, bao gồm sự bất ổn về tâm trạng, buồn chán, lo lắng, thiếu tập trung, cảm giác phụ thuộc… Theo bà Zauderer, nếu các triệu chứng kéo dài hơn 6 tuần hoặc trở nên trầm trọng hơn, người phụ nữ đó đáp ứng các tiêu chí để được chẩn đoán mắc trầm cảm sau sinh.

Nghiên cứu này cho rằng khoảng 13% bà mẹ mới sinh sẽ bị tăng nặng hoặc kéo dài các triệu chứng buồn nản và chuyển thành trầm cảm sau sinh. Trong khi đó, một số nghiên cứu tại Mỹ, Anh cho thấy tỉ lệ này vào khoảng 10%-20%. Một nghiên cứu cách đây hơn 10 năm của Bệnh viện (BV) Tâm thần TP HCM phối hợp với một số BV phụ sản, trên đối tượng là các sản phụ của những BV này, cũng cho thấy tỉ lệ trầm cảm sau sinh là 5,4%. Theo các bác sĩ chuyên khoa, dù dựa vào con số nào trong các nghiên cứu trên để nhận định thì đó cũng là một tỉ lệ không hề nhỏ.

Đáng lo trầm cảm sau sinh! - Ảnh 1.

Thai phụ nên tự chuẩn bị tâm lý và học cách suy nghĩ tích cực trước kỳ sinh nở. Trong ảnh: Lớp học tiền sản tại Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đừng "đổ tội" hết cho chồng

Khi thông tin về người phụ nữ sát hại cháu bé 33 ngày tuổi lan truyền, không ít cộng đồng nữ giới đã bàn tán về vấn đề này và theo nhiều người, những bậc làm chồng vẫn là nguyên nhân chủ yếu của bệnh.

Thế nhưng, theo BS Lâm Hiếu Minh, Trưởng Khoa Sức khỏe tâm trí BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, nguyên nhân hàng đầu phải kể đến là nguyên nhân sinh học, tức các thay đổi trong cơ thể người mẹ sau sinh. Kế đó là nguyên nhân do trạng thái stress, căng thẳng, mất ngủ do chăm con nhỏ. Sau đó mới là những yếu tố liên quan đến môi trường sống và sự quan tâm chăm sóc của người thân.

Vai trò cốt yếu của người chồng và người thân vẫn là kịp thời phát hiện và đưa người bệnh đến đúng địa chỉ để được can thiệp. "Nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng trầm cảm trên 2 tuần, họ nên được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần" - BS Hiếu Minh khuyên.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng những lo sợ của bản thân người mẹ khi mang thai lần đầu, chưa kịp thích ứng với cuộc sống của "vợ chồng son" có thể là yếu tố nguy cơ. Vì thế, việc chuẩn bị tâm lý trước khi có con, chú ý dinh dưỡng, tập thói quen suy nghĩ tích cực và xem đứa bé là niềm vui… là điều các bà mẹ nên quan tâm.

Rất cần quan tâm, chia sẻ

Theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, có nhiều yếu tố bất lợi mà một bà mẹ vừa có con nhỏ có thể gặp khiến cho cảm giác buồn nản ban đầu dễ diễn tiến thành trầm cảm, đó có thể là sự căng thẳng do công việc, cuộc sống gia đình, kinh tế khó khăn, bản thân người mẹ có tiền sử trầm cảm, trầm cảm sau sinh hay các rối loạn tâm thần khác. Một điểm nữa rất đáng lưu tâm là người mẹ bệnh còn khiến đứa bé mới sinh không được chăm sóc tốt, thiếu tình thương, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, đứng trước nguy cơ gặp các vấn đề tâm lý - tâm thần về sau.

Để phòng tránh và giúp các bà mẹ có con nhỏ vượt qua trầm cảm sau sinh, sản phụ nên được người thân, đặc biệt là chồng, quan tâm chăm sóc trong thai kỳ và sau thai kỳ. Nếu thai phụ có các biểu hiện trầm cảm đã nêu, họ nhất thiết phải được can thiệp bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần. 

Khi bệnh bột phát, mẹ vô tình hại con!

ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh: Cần lắm các phương pháp truyền thông, nâng cao hiểu biết về căn bệnh này ở vùng sâu, vùng xa. Thứ nhất, người phụ nữ trong và sau thai kỳ cần được quan tâm hơn nữa để bệnh được phát hiện kịp thời. Thứ hai, phải hiểu trầm cảm sau sinh là bệnh tâm thần, cần điều trị. Đâu đó vẫn có những người mẹ làm hại đến con trong cơn bột phát của bệnh và bị lên án nặng nề. Nhưng trong nhiều trường hợp, họ hoàn toàn bị căn bệnh chi phối; cho đến khi được điều trị, họ tỉnh ra và hết sức đau đớn, khổ sở.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo