Bạn đọc Trần Hoài An (29 tuổi; huyện Nhà Bè, TP HCM) hỏi: Tôi đang mang thai bé đầu lòng hơn 8 tháng, nhà chỉ có hai vợ chồng, lại xa trung tâm thành phố, nơi có các bệnh viện lớn mà tôi muốn đến sinh. Bác sĩ bảo tạng tôi rất dễ đẻ, tôi lại càng lo vì như vậy sẽ tăng nguy cơ đẻ rớt, nguy hiểm cho con. Xin hỏi những dấu hiệu nào tôi có thể nhận biết sớm rằng mình sắp sinh con để kịp đến bệnh viện?
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, trả lời:
Đẻ rơi hay đẻ rớt là khi đẻ không được chuẩn bị trước, xảy ra ngoài ý muốn của sản phụ ở những nơi không phù hợp như: nơi làm việc (đồng ruộng, văn phòng, nhà máy...) hoặc trên đường phố, trên tàu xe... (đi làm, đi chợ, trên đường đi đến các cơ sở y tế khi đang chuyển dạ…), thậm chí có trường hợp đẻ rớt trong nhà tắm, nhà vệ sinh. Tình huống đẻ rớt nếu không được kịp thời xử trí đúng cách sẽ rất nguy hiểm cho mẹ và trẻ sơ sinh, bé có thể bị ngạt, nhiễm lạnh, nhiễm trùng, uốn ván rốn, chấn thương, xuất huyết não và có thể tử vong. Sản phụ đẻ rớt có thể bị băng huyết, sót nhau, nhiễm trùng hậu sản…
Để phòng tránh, điều đầu tiên bạn cần làm là khám thai đầy đủ trong thời gian còn lại để kịp thời phát hiện những dấu hiệu cho thấy bạn có thể sinh sớm hơn dự kiến, hay các bất thường cho thấy bạn nên nhập viện.
Ngoài ra, bạn cần dự tính trước nơi sẽ sinh đẻ an toàn và phù hợp nhất, kể cả dự tính phương tiện vận chuyển khi cần, địa chỉ của cơ sở y tế gần nhất có thể hỗ trợ khi không kịp di chuyển đến bệnh viện bạn muốn.
Trường hợp của bạn, mặc dù ở xa trung tâm thành phố nhưng vẫn còn hệ thống y tế cơ sở (tuyến huyện, xã) vẫn có thể xử trí tình huống này. Ngoài các bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện có khoa sản, các nhà hộ sinh, các bệnh viện tuyến quận, huyện, trạm y tế tuyến phường, xã cũng được tập huấn, chuẩn bị sẵn phương tiện để xử trí tình huống cần đỡ đẻ và người lỡ đẻ rớt tại nhà, trên đường, bất cứ nơi nào tại địa phương (các trạm y tế đều có trang bị "Gói đỡ đẻ sạch").
Vì vậy nếu đang trên đường mà thấy con bắt đầu ra rồi thì tốt nhất là chuyển hướng sang cơ sở y tế gần nhất thay vì cố gắng lên đến bệnh viện ở trung tâm thành phố để rồi đẻ rớt. Nên để ý và ghi lại địa chỉ những cơ sở gần nhà hoặc trên đường đến bệnh viện bạn dự tính sinh nở ngay từ bây giờ.
Bạn cần ghi nhớ các dấu hiệu báo hiệu cuộc chuyển dạ: cơn đau bụng chuyển dạ (đau từng cơn, tăng dần, khoảng cách giữa các cơn mỗi lúc một gần lại), ra nhớt hồng, vỡ ối, cảm giác nặng và mắc rặn… Chỉ cần một trong các dấu hiệu trên xuất hiện, bạn phải đến cơ sở y tế ngay. Đừng quá lo lắng bởi khi các dấu hiệu bắt đầu đến khi sinh còn một quãng thời gian, đa số mọi người phải vào viện nằm khá lâu mới sinh, các ca đẻ rớt rất hiếm. Bạn chỉ cần chuẩn bị sẵn đồ đạc cần dùng để có thể lên xe ngay khi cần mà không lúng túng.
Cuối cùng, bạn không cần lo lắng về việc đẻ rớt chỉ vì một nhận xét dễ đẻ của bác sĩ, đó thường chỉ là lời tiên lượng bình thường, cho thấy bạn không có yếu tố nào gây đẻ khó, không cần sinh mổ. Nếu có nguy cơ như sinh non, vỡ ối sớm, đẻ khó, đẻ rớt … thì bác sĩ chắc chắn phải nói rõ và hướng dẫn các xử trí cho bạn. Chúc bạn nhiều sức khỏe, mẹ tròn con vuông.
Bình luận (0)