Tiến sĩ - bác sĩ Trần Hoàng Tùng, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật chi dưới Bệnh viện Việt Đức, trả lời: Có 2 cơ chế chấn thương gây đứt dây chằng khớp gối. Một là, những sang chấn đột ngột như khi chơi thể thao, tai nạn giao thông, trượt ngã khi sinh hoạt..., khi đó khớp gối bị xoắn vặn, người bệnh có thể nghe thấy tiếng dây chằng đứt phựt trong khớp, kèm theo sau đó khớp gối rất đau và sưng do máu chảy trong khớp.
Để xác định có bị đứt dây chằng khớp gối hay không cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời (Ảnh minh họa từ Internet)
Hai là, những sang chấn tích tụ lâu ngày (vi chấn thương), các bó sợi của dây chằng đứt dần đứt mòn trong các hoạt động thể thao. Lúc này, người bệnh chỉ thỉnh thoảng có cảm giác đau mỏi nhẹ trong khớp nhưng sau đó cảm giác này cũng dần tự hết. Tình trạng này kéo dài đến một lúc nào đó các bó sợi dây chằng đứt hết, gối lỏng rõ kèm các biến chứng của rách sụn chêm như đau, kẹt khớp gối, hạn chế gấp duỗi gối... Khi đó bệnh nhân mới đến khám bác sĩ thì thường đã muộn.
Thực tế, dây chằng có thể tái tạo với tỉ lệ thành công 94% - 95% hoặc hơn nhưng với các tổn thương khác thường phải cắt bỏ thay vì khâu lại (như rách vùng sụn chêm). Đây là tổn thương không thể hồi phục, khớp gối sau mổ sẽ bị khuyết vùng đệm giữa xương đùi và xương chày tại vị trí sụn chêm bị cắt bỏ, mất đi chức năng hấp thu lực trong quá trình đi lại của sụn chêm (giống như giảm xóc xe máy).
Ngoài ra, chưa kể nếu bệnh nhân không được dùng thuốc và theo dõi đúng cách sau mổ sẽ dễ dẫn đến bong sụn khớp, thoái hóa khớp, đau dai dẳng kéo dài, ảnh hưởng đến công việc và chất lượng sống, thậm chí buộc phải thay khớp gối khi còn trẻ.
Do đó, bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa sớm để được thăm khám và điều trị kịp thời nếu có tình trạng đứt dây chằng khớp gối.
Bình luận (0)