Trong ăn uống, cần lưu ý: Nên ăn ít chất béo, ít muối, ít calo. Không ăn quá 170 g thịt, hải sản hay thịt gà, vịt mỗi ngày; chỉ nên ăn thịt nạc; không ăn da gà, vịt; không ăn gan, tim, thận vì chứa nhiều cholesterol; dùng dầu thực vật với lượng vừa phải; chỉ dùng sữa và các sản phẩm sữa đã tách bơ; nên tăng lượng trái cây, rau tươi và ngũ cốc hằng ngày.
Người có huyết áp cao phải khống chế ở mức bình thường. Người béo mập phải giảm cân dần bằng ăn uống hợp lý kèm luyện tập thể dục thể thao vừa sức. Người có bệnh đái tháo đường thì phải tích cực chữa trị bằng chế độ ăn, luyện tập và thuốc. Sinh hoạt phải lành mạnh, tránh suy nghĩ căng thẳng quá mức.
Tốt nhất không nên hút thuốc vì thuốc lá làm tăng chất CO (carbon monoxide) khiến tim thiếu ôxy, gây đau thắt ngực. Hút thuốc làm cho các tiểu cầu dính vào nhau nên làm tăng tình trạng tắc nghẽn mạch máu. Hút thuốc cũng làm giảm tác dụng của thuốc trị bệnh.
Có ý kiến cho rằng người bị đau thắt ngực không nên tập luyện thể dục thể thao vì vận động sẽ kích thích tim, dẫn tới đau thắt ngực. Thực ra, điều này không đúng. Tập luyện là một cách giải trừ sự căng thẳng, làm giảm cân, giảm nhịp tim, hạ huyết áp, tăng tuần hoàn bàng hệ ngay trong tim. Tập luyện giúp cơ bắp hút được nhiều ôxy nên giảm tải công việc của quả tim. Trong tập luyện thì đi bộ là hợp lý nhất. Nên đi bộ hằng ngày, tốc độ không nhanh lắm, khoảng 5 km/giờ, ít nhất 5 ngày/tuần.
Vấn đề là nên tập luyện đều đặn, lâu dài, cường độ vừa với sức mình, đồng thời có chế độ ăn thích hợp thì mới có thể mang lại hiệu quả. Chế độ ăn thích hợp ở đây là không dùng mỡ, sườn non, bơ, kem; không ăn đồ chiên xào có nhiều muối, nên ăn nhiều rau, quả, hạt. Kiên trì tập luyện kết hợp với ăn kiêng nghiêm ngặt sẽ làm giảm huyết áp, giảm cholesterol máu và từ đó giảm cơn đau thắt ngực.
Chú ý: Khi có dấu hiệu rối loạn - ví dụ vẫn tập luyện ở mức độ như mọi ngày hoặc đang lúc nghỉ ngơi mà thấy đau thắt ngực - thì phải đi bệnh viện khám ngay để được xử trí kịp thời.
Bình luận (0)