Trưa 25-9, Ban Giám đốc, Ban Chấp hành Công đoàn, Đoàn Thanh niên của Bệnh viện Trung ương Huế đến gặp mặt và tiễn đoàn công tác gồm 115 y - bác sĩ rời Huế vào làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 ở số 2 Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP HCM (Trung tâm ICU). Đoàn di chuyển bằng đường hàng không để đến TP HCM làm nhiệm vụ.
Các nhân viên y tế quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ khi lên đường
Đây là đợt 3 Bệnh viện Trung ương Huế điều động, chi viện nhân viên y tế cho hoạt động của Trung tâm ICU tại TP HCM để hỗ trợ địa phương này trong việc đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Trung tâm ICU thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại TPHCM bắt đầu thu dung, điều trị các bệnh nhân nặng từ ngày 24-8 với quy mô hơn 600 giường, trong đó 437 giường có trang bị oxy, 185 giường cấp cứu - hồi sức; được chia làm 4 phân khu: bệnh nhân nguy kịch, bệnh nặng, thoát hồi sức, chuẩn bị ra viện. Trung tâm được trang bị hệ thống máy móc hiện đại như máy thở chức năng cao, máy monitor, máy sốc tim, hệ thống oxy tới tận giường bệnh.
GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, động viên đội ngũ y-bác sĩ trước khi lên đường
Đến nay, Trung tâm ICU đã có 400 y - bác sĩ (trong tổng số 600 - 700 người dự kiến được điều động), chủ yếu là nhân lực của Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Việt Nam - Cuba Quảng Bình, Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam và Bệnh viện Phong - Da liễu trung ương Quy Hòa… Đây là đội ngũ nhân viên y tế có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, được đơn vị đào tạo các kỹ thuật chuyên sâu về hồi sức cấp cứu.
Trung tâm đã hỗ trợ về chuyên môn, giao ban định kỳ, hội chẩn từ xa các ca bệnh nặng, điều phối chuyển tuyến, tiếp nhận bệnh nhân từ 10 cơ sở y tế trên địa bàn TP HCM.
Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế tiễn chào đoàn công tác
Tại lễ tiễn đoàn, Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết sau đúng 1 tháng hoạt động, Trung tâm ICU đã điều trị khỏi 220 bệnh nhân, 346 bệnh nhân hiện điều trị. Tỉ lệ bệnh nhân diễn biến nặng trên tổng số bệnh nhân đang điều trị giảm mạnh chỉ còn 50%, dự kiến đến tháng 12-2021 tiếp tục giảm chỉ còn 25%. Trong quá trình điều trị bệnh nhân Covid-19, trung tâm liên tục cập nhật phác đồ điều trị của Bộ Y tế và nhận được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt hiện tại không có người chạy ECMO, tỉ lệ bệnh nhân ra viện tăng cao.
Gần 2 tháng vừa qua, chiến lược giảm các ca bệnh nặng và tử vong tại trung tâm đã có hiệu quả, số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 nặng và nguy kịch chuyển đến giảm rõ rệt.
Đầu tư hệ thống DSA để cứu bệnh nhân đột quỵ, tim mạch
Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2 ở xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế ngày 25-9 đã có quyết định đưa Trung tâm Can thiệp tim mạch - đột quỵ và hệ thống máy chụp mạch số hoá xoá nền một bình diện treo trần DSA (hệ thống DSA) hiện đại vào hoạt động.
Đây là hệ thống thực hiện được hầu hết các kỹ thuật cao trong bệnh lý đột quỵ, can thiệp tim mạch, can thiệp mạch máu ngoại biên, hỗ trợ điều trị ung thư, điện sinh lý cơ tim, đặt máy tạo nhịp tim, chẩn đoán và can thiệp tim bẩm sinh, đặt Stengraft, thay van động mạch chủ qua da...
Các bác sĩ vận hành hệ thống DSA để chẩn đoán, chữa bệnh cho các bệnh nhân
Trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh Covid-19 hiện nay, ngoài bệnh nhân COVID-19, các bệnh nhân từ vùng dịch không thể đến trực tiếp khám chữa bệnh tại Bệnh viện Trung ương Huế ở TP Huế mà được phân luồng đến khám chữa bệnh tại cơ sở 2. Vậy nên việc đưa hệ thống DSA hiện đại vào hoạt động tại cơ sở 2 sẽ mở ra nhiều cơ hội cứu sống cho các bệnh nhân nặng và nguy kịch như tim mạch và đột quỵ.
Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có quyết định phê duyệt Đề án "Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng" và chỉ định thành lập Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia đặt tại Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2 với quy mô 500 giường hồi sức tích cực, phục vụ điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19 từ Quảng Bình đến Khánh Hoà.
Bình luận (0)