Mới đây, Phòng khám Ký sinh trùng (KST) Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương - TPHCM tiếp nhận bệnh nhân N.T.H (56 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh - TPHCM bị KST chui lên mắt. Trước đó, bà H. điều trị tại cơ sở chuyên khoa với chẩn đoán bị viêm kết mạc. TS-BS chuyên gia về KST Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, khuyến cáo bệnh nhân phải mất 4 tuần điều trị bằng thuốc đặc hiệu mới có thể loại được KST này.
Miệng hại thân
Một trường hợp khác là chị M. (35 tuổi, ngụ TPHCM) bị sán dải bò thâm nhập cơ thể. Chị M. có thói quen ăn sáng với món khoái khẩu phở bò tái. Một buổi sáng, khi ngủ dậy, chị M. thấy trong quần áo, chăn màn xuất hiện những nang màu trắng đục, đốt sán. Tại BV, các bác sĩ phát hiện chị bị nhiễm sán dải bò (Taenia saginata) - một loại KST dáng dài, dẹt, nang sán nằm trong thớ thịt bò.
Các BV chuyên khoa truyền nhiễm thường phát hiện trường hợp nhiễm loại sán dải bò. Phần lớn các bệnh nhân nhiễm đều là những người hay ăn phở bò tái. Theo bác sĩ Hồ Đặng Trung Nghĩa, Khoa Nhiễm Việt - Anh BV Bệnh nhiệt đới, KST giun tròn Angiostrongylus cantonensis thường ký sinh trên động mạch phổi của chuột, ấu trùng giun theo phân chuột ra ngoài rồi ký sinh trên rau, ốc bươu, ốc sên. Khi người ăn rau sống, ốc sống, ốc tái có chứa ấu trùng này vào ruột, chúng xuyên qua vách ruột rồi theo máu lên não gây viêm não.
Các chuyên gia cho biết không chỉ những món tái, ngay cả những món đặc sản đồng quê như lươn, ếch, cá lóc, rắn... cũng ẩn chứa nhiều loại KST nguy hiểm. Nhiều người chủ quan nghĩ KST chủ yếu là các loại giun, chỉ cần uống thuốc xổ là yên tâm. Thế nhưng, có đến hàng chục loại “sát thủ giấu mặt” KST gây hiểm họa khôn lường cho sức khỏe, có thể gây tử vong nếu không được phát hiện điều trị kịp thời.
Ẩn họa khắp nơi
Theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, nhiễm KST rất phổ biến trong cộng đồng. Có 4 nguồn nhiễm chính gồm: KST lây qua đất phổ biến có giun móc, giun lươn. KST lây qua nước như Entamoeba histolytica, Cryptosporidium sp, Balantidium coli, Fasciola hepatica (sán lá gan), Angiostrongylus, Strongyloides stercoralis, Ankylostoma duodenal, Necator americamus. Nhiễm KST từ nguồn rau có các loại trùng lông, trùng roi, bào nang amip (E.histolytica, E.coli), ấu trùng giun Angiostrongylus cantonensis. Từ nguồn thủy sản thì có các KST giun đầu gai, sán lá nhỏ ở gan và sán lá phổi, gây đau bụng ở vùng gan, tiêu chảy, táo bón. Bệnh giun xoắn có thể gây phù mắt, nhức đầu, đau cơ, rối loạn tiêu hóa, sốt kéo dài…
Chỉ riêng BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, trung bình mỗi năm gần đây tiếp nhận khoảng từ 7.000-8.000 bệnh nhân khám bệnh nhiễm KST. Phân tích dịch tễ cho thấy ở khu vực miền Trung, 60%-70% cộng đồng nhiễm sán lá gan. Các tỉnh miền Đông Nam Bộ có nhiều bệnh nhân bị nhiễm giun lươn, giun móc sống trong các vùng nước đọng, ao hồ. Riêng tại TPHCM, các vùng nhiễm các loại KST cao là Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh.
Mặc dù không làm người nhiễm tử vong ngay lập tức nhưng KST làm cho người bệnh bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, dẫn đến hoa mắt, chóng mặt, suy nhược cơ thể. Ngoài ra, tùy thuộc vào cơ quan nội tạng mà KST gây tổn thương ở cơ quan đó như ruột, phổi, não, cơ...
Nên bỏ thói quen ăn uống có hại Các chuyên gia cho biết để phòng ngừa nhiễm KST, nên thực hiện chế độ ăn chín, uống sôi, ăn rau sạch. Cần loại bỏ những thói quen không có lợi cho sức khỏe như ăn gỏi cá sống, tái. Khi thấy triệu chứng nhức đầu dữ dội, nôn ói sau khi ăn thủy sản tái, sống trước đó 2-3 tuần thì nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được phát hiện điều trị kịp thời. Nhiễm KST, sau khi điều trị khỏi vẫn có thể bị tái nhiễm, do vậy cần có biện pháp phòng ngừa theo dõi liên tục trong vài năm. “Không nên tự điều trị, uống thuốc không đúng sẽ kéo dài bệnh và gây độc cho cơ thể” - một chuyên gia khuyên. |
Bình luận (0)