Một ca điều trị cho bệnh nhân dị ứng thuốc chống lao tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai
Hết dị ứng nhờ giải mẫn cảm
Trước đó, bệnh nhân được chẩn đoán bị bệnh lao và bác sĩ (BS) kê toa cho sử dụng 5 loại thuốc chống lao. Sau hơn một tuần, bệnh nhân nổi ban đỏ ở ngực, ngứa chân và tay. Càng uống, tình trạng ngứa, mề đay, da bong tróc càng nghiêm trọng.
Khi xét nghiệm và thử kích thích, các BS phát hiện bệnh nhân dị ứng với isoniazid - một trong 5 loại thuốc đang được chỉ định uống để trị bệnh lao. Các BS đã điều trị giải mẫn cảm cho bệnh nhân.
Theo BS Bùi Văn Khánh, Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, phương pháp giải mẫn cảm tức là cho phép bệnh nhân tiếp tục điều trị isoniazid nhưng vẫn bảo đảm được việc từ chỗ dị ứng không dung nạp isoniazid thì nay vẫn có thể tiếp tục sử dụng thuốc đó. Sau 5 ngày điều trị, cơ thể bệnh nhân đã dần đáp ứng với thuốc. Cùng với đó, các biểu hiện dị ứng cũng giảm dần.
Ngừng sử dụng khi dị ứng
TS-BS Ngô Thanh Hồi, Khoa Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tình trạng dị ứng thuốc chống lao thường xuất hiện ngay trong những ngày đầu dùng thuốc chống lao nhưng cũng có những trường hợp sau 7-10 ngày.
Biểu hiện thường thấy nhất của dị ứng với các thuốc chống lao là các đám mẩn, ngứa, ban đỏ xuất hiện trên da; các biểu hiện khác ít gặp hơn, gồm: sốc, loét miệng, môi... “Thông thường, khi xuất hiện các biểu hiện nói trên, BS điều trị sẽ cho tạm ngừng sử dụng thuốc và yêu cầu làm một số xét nghiệm xác định thuốc gây dị ứng để đưa ra hướng điều trị hiệu quả”- BS Hồi nói.
BS Khánh cho biết thuốc điều trị lao chiếm tỉ lệ khá cao trong danh sách các thuốc gây dị ứng. Tháng nào trung tâm cũng tiếp nhận 3-5 trường hợp dị ứng thuốc chống lao.
Cũng theo BS Khánh, phần lớn bệnh nhân khi được chuyển tới các khoa dị ứng đã trong tình trạng bệnh diễn biến nặng (như: hồng ban đa dạng, đỏ da toàn thân), thậm chí đã chuyển sang hội chứng Stevens - Johnson, hội chứng Lyell, mất bạch cầu hạt, thiếu máu tan máu. Đây là các biến chứng thuộc nhóm nặng, tỉ lệ tử vong cao.
Khai thác kỹ tiền sử bệnh Bệnh nhân lao thường phải dùng thuốc theo phác đồ trong thời gian dài với nhiều loại thuốc. Do đó, để hạn chế các phản ứng phụ, các thầy thuốc được khuyến cáo là phải khai thác kỹ tiền sử các bệnh gan, thận, thần kinh… Trường hợp cần thiết có thể phải đánh giá chức năng các cơ quan đó trước khi chỉ định sử dụng thuốc. Người bệnh đã có phản ứng dị ứng với thuốc streptomycin thì không chỉ định trong phác đồ và cẩn thận khi sử dụng các thuốc khác cùng nhóm, như kanamycin, amikacin…; người cao tuổi không có chỉ định sử dụng streptomycin, bị suy gan thì không có chỉ định sử dụng pyrazinamid, rifampicin…; người suy thận không có chỉ định sử dụng streptomycin, ethambutol; phụ nữ có thai không có chỉ định dùng streptomycin và ethambutol vì có thể gây điếc bẩm sinh dẫn đến câm và mù bẩm sinh. Đặc biệt, cần kiểm soát tốt người bệnh để kịp thời phát hiện tác dụng không mong muốn của thuốc. |
Bình luận (0)