Chiều 13-6, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) của Bộ Y tế, cho biết sau khi nhận được thông tin Sở Y tế Quảng Trị tìm thấy phenol trong mẫu cá nục với hàm lượng 0,037mg/kg thể trọng, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế Quảng Trị báo cáo.
Theo báo cáo từ Sở Y tế Quảng Trị, trong quá trình kiểm tra đã tìm thấy 1 mẫu (trong 6 mẫu xét nghiệm), có phenol. Do đó Sở Y tế đã có tờ trình lên UBND Quảng Trị để đề nghị tiêu huỷ lô cá này chứ chưa có quyết định tiêu huỷ.
Ông Long cho biết phenol là chất rắn không màu (trắng) hoặc có thể ở dạng dung dịch. Chất này được tổng hợp trong sản xuất công nghiệp hoặc hình thành trong tự nhiên, đồng thời được sử dụng phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp. Phenol có trong nước thải, không khí hoặc nước ngầm. Người dân có thể bị phơi nhiễm với phenol qua các đường khác nhau như hít thở, qua nước sinh hoạt, nước uống hoặc qua thực phẩm bị phơi nhiễm phenol. Những người làm việc sản xuất nilon, nhựa đều có thể tiếp xúc với phenol.
Đặc biệt phenol được tìm thấy trong xúc xích, thịt hun khói, thịt ba chỉ rán hoặc trong 1 số hoa quả tự nhiên như cà chua, táo, lạc, chuối, ca cao, nho đỏ, dâu hoặc sữa với hàm lượng nhỏ; một số thực phẩm khác như chuối, lạc có hàm lượng phenol cao hơn. Qua các tài liệu tham khảo từ các nước châu Âu, EU, Mỹ, Nhật… kết quả cho thấy chưa có bằng chứng phenol gây bệnh ung thư. Các nghiên cứu cũng cho thấy, liều gây chết 50% các sinh vật thử nghiệm trên chuột là 300-600 mg/kg thể trọng. Do đó phải ăn một lượng phenol rất lớn mới có thể nhiễm độc
Ông Long cũng cho biết thê các tài liệu do Cục An toàn thực phẩm đã tham khảo của Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản chưa có cơ quan nào quy định giới hạn phenol trong hải sản. Ngoài ra, một số nghiên cứu của Cơ quan nghiên cứu thực phẩm châu Âu cho thấy, lượng ăn vào hàng ngày chịu đựng được của cơ thể người đối với thực phẩm 0,18 mcg/kg thể trọng/ngày (1 mg bằng 1000 mcg).
“Như vậy với hàm lượng 0,037 mg/kg phát hiện trong cá nục ở Quảng Trị, các tính toán cho thấy 1 người Việt Nam nặng 50-55 kg ăn cá này và ngày nào cũng ăn 200 g cá có chứa 0,037 mg/kg cá không ảnh hưởng đến sức khoẻ” - ông Long nói.
Tuy vậy, ông Long cũng lưu ý, khi người dân uống phải nước có hàm lượng phenol rất cao có thể bị các tác động như phá huỷ đường ruột, phá huỷ da, thậm chí tử vong.
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết chưa có quy định về hàm lượng phenol trong cá
Ông Long cho biết trên thế giới hiện chưa có quy định nào về ngưỡng phenol trong thực phẩm. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã chỉ đạo UNBD và Sở Y tế Quảng Trị lấy thêm mẫu cá khác trên thị trường để xét nghiệm.
Từ nay đến khi có kết quả thì vẫn sẽ niêm phong lô cá đã tìm được mẫu có phenol. “Việc Chi cục ATVSTP Quảng Trị nhận định phenol là chất kịch độc và kiến nghị tiêu hủy ngay như vậy là hơi vội vàng. Đây đúng là chất độc nhưng không phải cứ có trong thực phẩm là độc mà nó có ngưỡng nhất định. Trước bất cứ một vụ việc gì có ảnh hưởng đến sức khỏe cần thận trọng, xem xét kỹ trước khi công bố để tránh gây hoang mang dư luận, người tiêu dùng, để ảnh hưởng đến người sản xuất kinh doanh. Vấn đề này xảy ra ở mấy tỉnh miền Trung vừa rồi có cá chết nên nhạy cảm với người tiêu dùng. Cục cũng đã làm việc với ngành nông nghiệp để xác định nguồn gốc của số cá này là cá đánh bắt xa bờ. Địa phương làm xét nghiệm 7 chỉ tiêu kim loại nặng đều đạt, chỉ có phenol là chưa có quy định”- ông Long nhận định.
Bình luận (0)