xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dễ rước họa khi tự ý dùng kháng sinh

ANH THƯ

Thạc sĩ - dược sĩ Huỳnh Phương Thảo, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, cho biết thống kê cho thấy tỉ lệ sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi (tự ý mua và dùng, không có đơn) lên tới 91% ở khu vực nông thôn, 88% ở các thành thị Việt Nam

Kháng kháng sinh từng là một trong những trở ngại nghiêm trọng trong việc cứu sống bệnh nhân Covid-19 thứ 91 (phi công người Anh), các bác sĩ (BS) đã phải đổi kháng sinh nhiều lần trong suốt quá trình điều trị.

Kháng kháng sinh ngày càng tăng

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP HCM, Chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TP HCM - cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh bao gồm: sử dụng không đúng liều, lạm dụng, không theo đơn thuốc do BS kê; công tác kiểm nghiệm chất lượng kháng sinh còn hạn chế; phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm chưa hiệu quả, hệ thống giám sát toàn diện về kháng thuốc quốc gia chưa được thiết lập; chưa kiểm soát hợp lý việc dùng kháng sinh trong chăn nuôi; các quy định chuyên môn chưa cập nhật thường xuyên; nhận thức của cộng đồng và cả cán bộ y tế về kháng thuốc còn hạn chế.

Theo dược sĩ chuyên khoa II Lê Hoàng Nhã (Phòng Nghiệp vụ dược Sở Y tế TP HCM), vừa qua, Sở Y tế TP đã chọn các nhà thuốc trên địa bàn quận Phú Nhuận làm thí điểm để khảo sát và can thiệp đến người bán thuốc, người mua thuốc về việc mua bán thuốc kháng sinh. Khảo sát ban đầu cho thấy trên 90% người bán thuốc vẫn chưa rõ về các quy định xử phạt khi bán thuốc kháng sinh không có đơn thuốc do BS kê, không lưu bản sao đơn thuốc sau khi bán. Điều này đã được cải thiện sau các biện pháp can thiệp trực tiếp, hướng dẫn cụ thể đến từng người bán thuốc.

Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, tình trạng dùng kháng sinh không đúng chỉ định như đã nêu trên đã khiến tỉ lệ bệnh nhân bị kháng kháng sinh ở Việt Nam rất cao. Thống kê cho thấy tỉ lệ bệnh nhân bị kháng kháng sinh trong cả nước lên tới 40%, xếp thứ 4 về tỉ lệ kháng thuốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ghi nhận tại các BV cho thấy tỉ lệ bệnh nhân bị kháng kháng sinh vẫn không ngừng gia tăng. Ví dụ, đối với những ca viêm phổi nặng do vi khuẩn ancinetobacter, hiện chỉ còn mỗi kháng sinh carbapenem làm "vũ khí" nhưng tỉ lệ kháng carbapenem cũng đang tăng không ngừng.

Dễ rước họa khi tự ý dùng kháng sinh - Ảnh 1.

Sử dụng thuốc, đặc biệt là với thuốc kháng sinh, tốt nhất chỉ nên dùng theo chỉ định của bác sĩ. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH

Đe dọa sức khỏe toàn cầu

Năm 2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thống kê có 13 thách thức cấp bách về sức khỏe trong thập kỷ tới, trong đó nhấn mạnh "Kháng kháng sinh đe dọa đưa y học hiện tại trở ngược lại nhiều thập kỷ trước, thời kỳ tiền kháng sinh, khi ngay cả các cuộc phẫu thuật thông thường cũng trở nên nguy hiểm".

Năm 2019, tổ chức này từng đưa kháng kháng sinh vào danh sách "10 vấn đề đe dọa sức khỏe toàn cầu". WHO dẫn chứng bệnh lao kháng thuốc làm ví dụ, bệnh lao đang khiến 10 triệu người mắc và 1,6 triệu người chết mỗi năm. Năm 2017, 600.000 người mắc bệnh này được ghi nhận kháng kháng sinh rifampicin - loại thuốc hiệu quả nhất và 82% trong số những người này mắc bệnh lao đa kháng thuốc.

Theo WHO dự báo, tình trạng kháng kháng sinh có thể gây ra 10 triệu ca tử vong mỗi năm vào năm 2050. "Tình trạng kháng thuốc không chỉ bị thúc đẩy bởi việc sử dụng quá mức chất kháng sinh ở người mà còn ở động vật, đặc biệt là những chất được sử dụng để sản xuất thực phẩm cũng như trong môi trường" - WHO cảnh báo.

PGS-TS Ngô Thị Hoa, Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (đặt tại TP HCM), cũng nhấn mạnh sự nguy hiểm của việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, bao gồm cả trong thức ăn với mục đích tăng trọng lẫn việc lạm dụng khi điều trị bệnh trong vật nuôi.

Lạm dụng kháng sinh trong vật nuôi thường dẫn đến dư lượng kháng sinh trong thực phẩm. Ngoài ra, bản thân người chăn nuôi cũng phơi nhiễm kháng sinh. Trong vi khuẩn có một yếu tố di truyền tên là "plasmid", có thể chuyển dịch dễ dàng cho các vi khuẩn khác, bao gồm vi khuẩn khác loài. Vì vậy, rất nhiều người không chăn nuôi vẫn mang gien kháng thuốc nguy hiểm. Một khảo sát tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang mới đây cho thấy tỉ lệ người có gien kháng thuốc dù không tiếp xúc với vật nuôi lên tới 10%.

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhấn mạnh không nên tự ý mua và sử dụng kháng sinh, kháng sinh là một loại thuốc chỉ được mua và uống theo đơn do BS kê, sau khi thăm khám.

Bị hôn mê do tự ý sử dụng thuốc kháng sinh

BV Bãi Cháy (Quảng Ninh) vừa cấp cứu một nam bệnh nhân 68 tuổi bị tím tái, hôn mê do tự ý sử dụng thuốc kháng sinh tại nhà. Kết quả xét nghiệm nuôi cấy dịch màng phổi dương tính với vi khuẩn Klebsiella Pneumoniae. Đây là loại vi khuẩn nguy hiểm, gây ra các bội nhiễm ở đường hô hấp, thường tấn công cơ thể khi hệ miễn dịch suy yếu.

BS Đào Hồng Ngự, Trưởng Khoa Hô hấp BV Bãi Cháy (Quảng Ninh), cho biết khi có biểu hiện sốt, ho, cảm... nhiều người có thói quen ra hiệu thuốc mua kháng sinh. Việc sử dụng thuốc kháng sinh không qua thăm khám, kê đơn của BS chuyên khoa, không uống đúng chỉ định, liều lượng và tự ý chuyển loại thuốc... là những nguyên nhân làm cho vi khuẩn không bị tiêu diệt hoặc ngăn chặn dẫn đến thuốc kháng sinh không còn tác dụng.

N.Dung

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo