Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về phòng chống dịch trên địa bàn TP HCM vào chiều 2-9, đại diện các sở, ban, ngành TP đã trả lời báo chí về một số nội dung liên quan công tác phòng chống dịch.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết trong hai ngày 30 và 31-8, các trạm y tế lưu động đã thực hiện test nhanh mẫu gộp cho 542 shipper, trong đó phát hiện 7 trường hợp dương tính.
Ngày 1-9, xét nghiệm 2.898 shipper thì có 27 trường hợp dương tính. Hôm nay 2-9, xét nghiệm 3.291 shipper thì có 30 trường hợp dương tính. Công tác xét nghiệm rất hiệu quả khi phát hiện ra những ca dương tính.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, hiện nay, các quận, huyện vẫn tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm để đến ngày 6-9 có đánh giá tổng thể về những khu vực "đỏ, cam, vàng, xanh".
Toàn cảnh cuộc họp báo chiều 2-9.
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết số lượt đăng ký đơn hàng "đi chợ hộ" ngày 31-8 là 101.645, giao được 101.443 đơn. Ngày 1-9, có 89.849 đơn hàng đăng ký, số được giao là 93.153 đơn hàng. Ngày 2-9, có 100.745 đơn hàng và được giao là 115.130 đơn.
"Số đơn hàng được giao tăng đơn giản là do hệ thống phân phối tăng cường nhân lực nên có khả năng cung ứng cao hơn" - ông Phương nhấn mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, trả lời tại cuộc họp báo
Theo ông Phương, ngày 30-8 có 7.516 shipper hoạt động và số lượng đơn hàng cung ứng là 138.290. Ngày 31-8, số shipper tăng lên 9.124 và số lượng đơn hàng được chuyển tải là 164.621. Ngày 1-9, số shipper hoạt động là 10.782 người, trong đó, số lượng đơn hàng cung ứng là 196.635 đơn.
Trả lời câu hỏi xung quanh việc chuyển tiền "đi chợ hộ", ông Phương cho biết khi mới bắt đầu triển khai phương án này, Sở Công Thương TP HCM đã làm việc với các quận, huyện. Sở đã nghe thông tin một số địa phương có gọi điện thoại cho người dân hoặc nhắn tin để đăng ký "đi chợ hộ" đồng thời yêu cầu chuyển tiền.
"Sau khi có thông tin này, chúng tôi đã triển khai tới các quận, huyện và cung cấp thông tin các đầu mối cho người dân. Đến nay, không thấy thông tin báo cáo về các trường hợp bị mất tiền" - ông Phương cho hay.
Trả lời về việc đến ngày 6-9, giấy đi đường có hiệu lực hay không, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM, cho biết điều này tùy theo quyết định, chủ trương của lãnh đạo TP HCM sau ngày 6-9 thực hiện giãn cách như thế nào.
Nếu TP HCM không giãn cách nữa thì giấy đi đường không cần tới. Còn nếu TP HCM định kéo dài thời gian giãn cách thì Công an TP cũng có phương án để thuận tiện nhất, trên tinh thần không làm phiền hà mỗi lần thay đổi.
Đối với việc kiểm tra, kiểm soát mã QR để quét tại các chốt, trạm, theo thượng tá Hà, về cơ bản, cầm điện thoại tiếp xúc gần để quét mã cũng có nguy cơ lây nhiễm. Song, nguy cơ từ lực lượng chức năng lây nhiễm đối với người đi đường có vẻ không cao. "Anh em trong quá trình tác nghiệp đã có quá trình sát khuẩn, đeo khẩu trang" – ông giải thích.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết hiện nay, Công an TP HCM có 2 điểm kiểm soát bằng camera quét mã vạch tại ngã sáu Phù Đổng, đoạn đường Nguyễn Trãi - Cách mạng Tháng Tám. "Một người đi qua chỉ cần đưa mã QR khoảng 5 giây là công an có thể xác thực được. Áp dụng mô hình này thuận tiện và tránh trường hợp tiếp xúc. Công an TP cũng mong muốn làm thế nào để an toàn nhất cho người dân cũng như cho cả lực lượng làm nhiệm vụ" – thượng tá Hà nhấn mạnh.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP HCM, cung cấp thông tin tại buổi họp báo
Bình luận (0)