Bác sĩ Nguyễn Tài Dũng, Khoa tai - mũi - họng, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết các bác sĩ ở đây vừa vừa làm thủ thuật gắp một con vắt còn sống, dài khoảng 3 cm khỏi mũi bé trai 7 tuổi. Bệnh nhân sống ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng chảy máu cam từ mũi trái suốt 3 tuần. Gia đình cho biết gần 1 tháng trước đó, cả nhà có đi bơi ở suối vùng núi phía Bắc, sau khi trở về, bệnh nhi bị chảy máu cam dai dẳng. Kết quả kiểm tra nội soi mũi bác sĩ phát hiện một con vắt trong hốc mũi bên trái che kín khe mũi giữa và khe mũi trên.
Sau gây tê tại chỗ, con vắt đã được lấy nguyên vẹn ra bên ngoài, bệnh nhi ổn định và được cho về nhà ngay.
Con vắt vẫn sống được lấy ra dài khoảng 3 cm- Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo bác sĩ Dũng, tình trạng đỉa/ vắt chui vào mũi không hiếm gặp. Đỉa/vắt rừng thường sống ở các khe suối, lúc còn nhỏ, kích thước chúng chỉ khoảng vài milimet, rất khó nhận biết. Khi người hoặc các loài động vật xuống suối tắm hoặc uống nước, chúng sẽ nhanh chóng chui vào các khoang mũi, họng, thanh hoặc khí phế quản và sống ký sinh ở đó. Sau một thời gian hút máu, chúng sẽ lớn rất nhanh và gây ra các triệu chứng về đường hô hấp.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân cẩn trọng trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là những người đi rừng cần hạn chế uống nước khe, suối để tránh đỉa/vắt chui vào cơ thể. Ngoài ra, những người sống ở vùng núi rừng ẩm ướt, hoặc trở về từ những vùng rừng núi, nếu có hiện tượng chảy máu mũi hoặc ho kéo dài nên soi tai, mũi, họng hoặc phế quản để loại trừ có vắt ký sinh trong cơ thể.
Bình luận (0)