Đến lúc này, chị Nguyễn Ngọc M. (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM), mẹ của bé T.A (8 tuổi), vẫn còn ám ảnh vụ dị ứng thức ăn của con gái trong chuyến du lịch hè năm trước. Từ nhỏ, bé T.A khi ăn một số loại hạt như đậu phộng, đậu nành, hạt dẻ… thì tối về thường kêu ngứa ngáy nên chị không cho bé ăn các món này nữa dù vài lần đi siêu thị thấy các gói hạt bắt mắt, bé hay đòi. Trong chuyến đi biển do cơ quan chị tổ chức năm ngoái, sau bữa ăn trưa, trong lúc chị sơ ý, bé T.A đã lấy hộp đậu thập cẩm để trên bàn và ăn khá nhiều. Vài giờ sau, T.A bị sốt cao, khắp người nổi mề đay, chị M. đành bỏ dở chuyến đi để đưa con vào bệnh viện (BV). Rất may, tình trạng dị ứng của bé không quá nặng.
Sốc phản vệ rất nguy hiểm
Cách đây không lâu, báo chí Canada đã đăng một câu chuyện thật như đùa: Một cô bé 15 tuổi tên Christina ngụ tại TP Saguenay (Canada) đã tử vong sau khi… hôn bạn trai. Nguyên nhân của “nụ hôn thần chết” đó là Christina vốn dị ứng nặng với đậu phộng trong khi cậu bạn lại vừa ăn món này trước khi gặp bạn gái. Sau vài giờ, cơn sốc phản vệ đã lấy đi sinh mạng cô gái dù được đưa vào BV cấp cứu ngay sau đó. Cách đây khoảng 10 năm, một cô gái người Canada 16 tuổi khác ở TP Quebec cũng đã suýt tử vong với lý do bị dị ứng nặng với loại kháng sinh mà cậu bạn vừa uống trước khi hôn.
ThS-BS Trần Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết những câu chuyện “thật như đùa” ấy hoàn toàn có thể xảy ra nếu tình trạng dị ứng ở trẻ không được đánh giá và theo dõi đúng. Có những dạng dị ứng thường chỉ gây phiền toái như viêm mũi dị ứng, ít mẩn ngứa ngoài da nhưng cũng có những dạng đặt bệnh nhân trước nguy cơ tử vong, nhất là tình trạng sốc phản vệ trong dị ứng thực phẩm - dược phẩm, hen suyễn trong nhóm các bệnh dị ứng hô hấp… Hiện nay, trên toàn thế giới có khoảng 30% dân số gặp các vấn đề liên quan đến dị ứng.
Đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, các bệnh liên quan đến dị ứng nguy hiểm ở chỗ nhiều trẻ chưa đủ ý thức để nhận biết và nói với người lớn về các vấn đề xảy ra với mình. Dị ứng có rất nhiều biểu hiện khác nhau như suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, viêm ruột dị ứng, dị ứng thức ăn, phù mạch - mề đay, sốc phản vệ… “Có khá nhiều trẻ bị dị ứng mà phụ huynh không biết, ví dụ con cứ bị tiêu chảy kéo dài, nghĩ là bệnh đường tiêu hóa, đi khám mới biết là do dị ứng” - BS Tuấn cho biết.
Gọi ngay cấp cứu
Trong các biến chứng do dị ứng gây ra, đáng lo ngại nhất vẫn là các cơn sốc phản vệ ở những trẻ bị dị ứng nặng như cô bé Christina hay các cơn hen của trẻ bị hen suyễn. Trong nhiều tình huống, trẻ có thể bị ngạt, ngưng tim - ngưng thở và nhanh chóng tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
BS Trần Đắc Nguyên Anh, Phó trưởng Khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 2 (TP HCM), cho biết khi phụ huynh gặp tình huống trẻ bị sốc phản vệ do dị ứng thức ăn, thuốc… thì trước hết phải gọi ngay cấp cứu hoặc lập tức đưa trẻ vào trung tâm y tế gần nhất vì tình huống này không thể tự xử lý. Trong lúc đợi đội cấp cứu, nếu trẻ bị ngưng tim, ngưng thở, hãy nhanh chóng hồi sinh tim, phổi cho trẻ bằng biện pháp ép tim - thổi ngạt, chú ý móc đờm nhớt trong cổ họng ra, nếu có. Khá nhiều tình huống trẻ bị sốc phản vệ do dị ứng thuốc hay thức ăn và bị phù nề thanh quản nên mới bị ngạt, do vậy việc kiểm tra xem trẻ còn thở, tim còn đập hay không là rất quan trọng.
BS Tuấn lưu ý thêm rằng ngay cả những bệnh gây rắc rối “sơ sơ” như viêm mũi dị ứng cũng phải được thăm khám và điều trị dứt điểm bởi các trường hợp dị ứng không nguy hiểm cũng sẽ ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống.
Cần chú ý nguyên nhân gây dị ứng
ThS-BS Trần Anh Tuấn khuyên các bậc cha mẹ có con bị dị ứng nên lưu ý đến nguyên nhân. Ví dụ ở trẻ bị viêm mũi, hen suyễn nên dọn dẹp nhà cửa thông thoáng, tránh các thứ dễ gây kích ứng đường hô hấp, có chế độ sinh hoạt phù hợp. Ở bệnh dị ứng thức ăn, nên chú ý tới các nhóm thực phẩm gây ra 90% dị ứng thức ăn ở trẻ, gồm: sữa, đậu phộng, trứng, đậu nành, các loại hạt, cá, sò, ốc. Ở trẻ dễ bị viêm da dị ứng, nên lưu ý khi chăm sóc da, vệ sinh cơ thể cho bé… theo lời khuyên của bác sĩ.
Bình luận (0)