Tại Mỹ, Anh và Úc, bệnh nhân mắc chứng viêm mũi dị ứng vốn “ăn ý” với pseudoepherine (một hoạt chất phổ biến trong sudafed và những loại thuốc chống viêm mũi dị ứng không cần kê toa) phải trình giấy căn cước, bằng lái xe..., đồng thời phải ký tên vào một “sổ theo dõi” có ghi đầy đủ tên, địa chỉ mới có thể mua được pseudoepherine.
Luật này nhằm ngăn chặn những tay nghiện muốn dùng pseudoepherine để bào chế ra methamphetamine (một loại thuốc gây ảo giác). Những bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng không muốn rắc rối với pseudoepherine đã chọn giải pháp khác đơn giản hơn. Đó là chuẩn bị thật nhiều... khăn giấy vì nhất định không muốn mua một loại thuốc quá nhiều phiền phức.
Một lựa chọn khác phổ biến hơn để cải thiện tình trạng nghẹt mũi, sổ mũi là phenylepherine nhưng chất này không hiệu quả bằng pseudoepherine. Phenylepherine và pseudoepherine phát huy tác dụng bằng cách làm co các mạch máu ở mũi nhưng phenylepherine không đi vào mạch máu một cách tối ưu vì sẽ được chuyển hóa mau chóng bởi hệ tiêu hóa.
GS Leslie Hendeles, phụ trách môn thực hành dược khoa tại ĐH Florida, đã nêu thắc mắc tại sao Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) lại dành nhiều ưu ái cho phenylepherine. GS Hendeles và cộng sự đã “vạch lá tìm sâu” bằng cách trưng ra một nghiên cứu được thực hiện vào năm 1976. Nghiên cứu này cho thấy phenylepherine không tốt hơn... placebo (giả dược) trong việc làm giảm nghẹt mũi. Vấn đề chính là do mỗi người có một cơ địa khác nhau. Điều này khó có thể kết luận phenylepherine có tác dụng hay không và nếu có thì ở nhóm người nào?
May mắn thay, phenylepherine lại hoạt động tích cực khi được bào chế ở dạng xịt (vào mũi). Do đó, những thuốc chống viêm mũi dị ứng dạng xịt chứa phenylepherine sẽ là một lựa chọn hợp lý. Tuy nhiên, những loại thuốc dạng xịt chứa phenylepherine chỉ đạt hiệu quả tối ưu khi bệnh nhân sử dụng không quá 3 ngày; dùng lâu hơn sẽ gây ra tình trạng “hồi ngược”, làm cho triệu chứng càng trầm trọng hơn so với ban đầu. Điều này đúng cho cả oxymetazoline - cũng là một chất dùng trong viêm mũi dị ứng (biệt dược afrin).
Phenylepherine dạng xịt an toàn cho bệnh nhân cao huyết áp bởi lẽ hoạt chất này phần nhiều ở lại mũi và không tác động đến những phần còn lại của cơ thể. Ngược lại, pseudoepherine được khuyến cáo không nên dùng cho bệnh nhân cao huyết áp (trừ khi được bác sĩ kê toa) vì trong những trường hợp nghiêm trọng, nó có thể làm khởi phát tình trạng nhồi máu cơ tim. Những bệnh nhân vốn trung thành với pseudoepherine đang nghĩ tới việc “ký biên bản” để được mua thuốc, một số khác ồ ạt kéo đến phòng mạch bác sĩ để được kê những loại thuốc xịt chứa corticosteroid.
Được “bật đèn xanh” từ FDA, những nhà sản xuất dược phẩm tại Mỹ đang ung dung xuất xưởng phenylepherine. Nhờ đó mà thuốc của họ có thể chễm chệ trên những kệ thuốc toàn nước Mỹ khi mùa dị ứng lại về.
Bình luận (0)