Trần Mai Thoa (TP HCM), hỏi: Vừa có một vụ một phụ nữ được cho là chết do dị ứng thức ăn. Vậy dị ứng thức ăn có thể tử vong hay không? Với các thức ăn lạ mới có dị ứng đến độ đó hay các thức ăn quen cũng có thể dẫn đến dị ứng? Khi có những biểu hiện nghi ngờ như thế nào thì cần đến ngay cơ sở y tế?
PGS-TS Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện (BV) Bạch Mai, nguyên Trưởng Bộ môn Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Đại học Y Hà Nội, trả lời:
Dị ứng thức ăn là một phản ứng dị thường của cơ thể đối với một hoặc nhiều loại thức ăn xuất hiện sau khi ăn. Triệu chứng dị ứng thức ăn thường phát triển trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi ăn, ở những người có cơ địa nhạy cảm. Các loại thực phẩm hay gây dị ứng là động vật thuộc nhóm giáp xác (cua, tôm, mực, sò…), nhộng, ba ba, cá, lươn, trứng, sữa, lạc, đỗ…
Đối với dị ứng thực phẩm, các phản ứng dị ứng (đặc biệt là sốc phản vệ) không phụ thuộc số lượng ăn vào nhiều hay ít mà phụ thuộc vào độ mẫn cảm của từng cá thể. Có người chỉ ăn một lượng rất nhỏ, thậm chí ăn một miếng cũng gây ra phản ứng dị ứng rất nặng. Thậm chí, có những trường hợp khi nhỏ không bị dị ứng với tôm, cua hay động vật có vỏ khác nhưng khi lớn lên mới bị dị ứng. Đây cũng là một điều hoàn toàn bình thường khi phản ứng miễn dịch của cơ thể nhằm chống lại một số protein trong các loại thực phẩm.
Có những người bị dị ứng thực phẩm ngay từ lần đầu hoặc lần 2 ăn đã bị dị ứng. Nhưng có người trước đây ăn không sao, sau này ăn vào thì bị dị ứng. Đây gọi là nhóm dị ứng phát sinh.
Dị ứng thực phẩm ở người trưởng thành không tự hết khi họ già đi nhưng với trẻ em có em khi lớn lên lại dung nạp các thực phẩm vốn đã từng gây ra dị ứng khi còn nhỏ. Ngoài ra, trong điều kiện cơ thể đang bị viêm nhiễm, sốt hoặc mắc một bệnh lý nào khác nhưng không được phát hiện cũng tạo điều kiện nhạy cảm với thực phẩm và dễ dẫn đến phản ứng dị ứng. Đặc biệt, đã có những trường hợp sau khi ăn một số thực phẩm, uống rượu bia rồi vận động mạnh dẫn đến tình trạng sốc phản vệ do vận động.
Dị ứng thực phẩm biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau sau khi ăn. Đầu tiên là các biểu hiện đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn….Tiếp đó là các biểu hiện ngoài da như đỏ da, mẩn ngứa, nổi mề đay (chiếm tới hơn 70% trong các nghiên cứu của bác sĩ). Trường hợp nặng, mề đay có kèm theo khó thở, đau bụng, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng, đau đầu, chóng mặt…Người bệnh có thể có các triệu chứng hô hấp như hắt hơi, ngạt, chảy nước mũi, khó thở kiểu hen, co thắt thanh quản. Đặc biệt là sốc phản vệ khi có trụy tim mạch với các triệu chứng sốc như da tái lạnh, mạch nhanh nhỏ, nổi vân tím, tụt huyết áp…
Đối với dị ứng thức ăn thì tình trạng sốc phản vệ là bệnh cảnh lâm sàng nghiêm trọng nhất, dễ dẫn đến tử vong. Sốc phản vệ thường có thể xảy ra sau khi ăn từ vài giây, vài phút, muộn hơn có thể kéo dài tới vài giờ sau khi ăn, do các dị nguyên hấp thu chậm nhưng thường gặp nhất là trong 1 giờ đầu sau khi ăn. Khởi đầu bằng cảm giác lạ thường: bồn chồn, tiếp đó là sự xuất hiện nhanh các triệu chứng ở một hay nhiều cơ quan đích như tim mạch, hô hấp, da, tiêu hóa với các biểu hiện: mạch nhanh, huyết áp tụt, khó thở, ngứa ran khắp người, đau quặn bụng, tiêu tiểu không tự chủ. Thể tối cấp người bệnh hôn mê, nghẹt thở, co giật, rối loạn nhịp tim, ngừng tim và tử vong sau ít phút.
Với người đã và đang bị một chứng bệnh dị ứng thì cần cẩn trọng hơn khi ăn các thực phẩm lạ, thực phẩm chế biến sẵn. Vì ngay cả những chất bảo quản cũng có thể gây dị ứng cho những người có cơ địa nhạy cảm. Khi thấy có các biểu biện dị ứng thức ăn cần đến BV ngay để được điều trị, không chủ quan hay chậm trễ vì diễn biến của dị ứng thực phẩm rất nhanh, có thể nguy hiểm tính mạng. Ngoài ra, không tự ý dùng thuốc theo mách bảo khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.
Bình luận (0)