Mới đây, bệnh viện chúng tôi tiếp nhận một bé trai 14 tháng tuổi ở Hà Nội vào bệnh viện cấp cứu với các triệu chứng khó thở, vật vã, quấy khóc. Các bác sĩ đã phát hiện một con bọ cánh cứng bay vào miệng và chui tọt vào phế quản của cháu bé.
Một trường hợp khác, một cháu bé 3 tuổi đang ăn bắp đột nhiên lăn ra khóc nghẹn, tím tái, ho sặc dữ dội. Tại bệnh viện, các bác sĩ gắp ra một hạt bắp trong phế quản… Với những trường hợp dị vật đường thở như trên, nếu không được cấp cứu đúng cách và kịp thời, sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Không sơ cứu tùy tiện
Dị vật đường thở là những vật mắc lại trên đường thở từ thanh quản đến phế quản phân thùy. Bất kỳ tuổi nào cũng có thể bị dị vật đường thở nhưng phổ biến nhất là từ 1 đến 4 tuổi, nam nhiều hơn nữ.
Thứ tự bốn thao tác của liệu pháp Heimlich
Dị vật có thể là thức ăn (gặp rất nhiều là các loại hạt như bắp, đậu phộng, mãng cầu, hồng xiêm...), bột, cháo… cũng có thể là vật dụng nhỏ mà trẻ táy máy ngậm vào miệng rồi bất ngờ rơi vào đường thở như pin đồng hồ, ốc vít, viên thuốc, bi xe đạp, đuôi bút bi… thậm chí là các con vật sống như đỉa, bọ cánh cứng.
Dị vật đường thở rất nguy hiểm và hậu quả rất khó lường. Nhẹ thì ho kéo dài, viêm phổi và nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong ngay do ngưng thở. Trường hợp may mắn thoát chết ngạt vẫn có thể để lại di chứng nặng nề, thậm chí là sống đời sống thực vật. Bộ não của người không được thiếu ôxy quá 5-7 phút nên trẻ do ngạt mà ngưng thở hơn 5 phút thì đôi khi cứu sống cũng là vô ích. Tuy nhiên, tai nạn này có thể hoàn toàn tránh được nếu tuyên truyền giáo dục tốt và biết cách xử lý ban đầu, chúng ta sẽ giảm được nhiều hậu quả đáng tiếc.
Việc sơ cứu nạn nhân cần phải thực hiện đúng cách chứ không tùy tiện. Cụ thể, nếu nạn nhân còn hồng hào, không khó thở nên đặt ở tư thế ngồi, giữ yên và đưa đến cơ sở y tế. Nếu nạn nhân khó thở, tím tái, trước tiên cần giữ trong tư thế mặt úp, đầu chúc xuống thấp hơn thân, sau đó vỗ mạnh nhiều lần vào giữa hai xương bả vai; nếu vẫn còn bị sặc, hãy đặt nằm nghiêng và hơi ngửa đầu ra sau, một tay chúng ta đỡ lấy lưng nạn nhân rồi dùng 2 ngón tay kia ấn vào khoảng giữa rốn và phần cuối của xương sườn. Trong trường hợp này, chú ý ấn vào trong và lên phía trên một cách nhanh và mạnh. Việc dùng ngón tay trỏ móc họng trẻ nhỏ là động tác đơn giản và tương đối hữu hiệu.
Đang ho sặc: Không dùng Heimlich
Với nạn nhân là trẻ lớn và người lớn, chúng ta có thể dùng thủ thuật Heimlich nhưng chỉ nên dùng khi bệnh nhân gần như ngừng thở hoặc thở rất yếu, gần như lả đi; nếu bệnh nhân còn ho sặc, còn khỏe thì không nên làm. Nguyên tắc của Heimlich là tạo một lực tác động mạnh, đột ngột vào 2 buồng phổi bằng cách vỗ từ lưng hoặc ép vào cơ hoành, mục đích tạo ra một áp lực lớn đột ngột trong đường hô hấp để đẩy dị vật ra ngoài.
Tức là để người bị nạn đứng, người cúi ra trước, bạn đứng phía sau, 2 tay bắt vào nhau thành một nắm đấm để vào vùng thượng vị của họ, sau đó giật mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên để làm tăng áp lực trong lồng ngực nhằm tống dị vật ra. Có thể lặp lại 6 - 10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật được tống ra khỏi đường thở (xem ảnh).
Phương pháp Heimlich hiệu quả rất tốt với những dị vật choán gần hết đường thở và dễ di chuyển như viên bi, kẹo..., còn những vật có hình dáng góc cạnh, phải có sự can thiệp của các bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng.
Xử lý khi bị nạn mà chỉ có một mình
Nếu bị nạn khi chỉ có một mình, bạn hãy tự đẩy ép bụng để tống vật lạ ra ngoài bằng cách đứng tựa lưng vào bờ tường phẳng, dùng một bàn tay nắm chặt, tì sát phần ngón cái và ngón trỏ vào vùng bụng phía trên, ngay dưới xương ức (lòng bàn tay úp xuống).
Sử dụng nắm tay còn lại đấm mạnh vào nắm tay trên bụng, theo chiều từ trước ra sau và từ dưới lên. Nếu không kết quả thì dùng ghế dựa, áp phần bụng phía trên rốn lên bờ trên của tấm tựa lưng, sau đó dùng sức nặng của thân người gập xuống thành ghế (ảnh), tạo sức ép đẩy không khí từ trong ra, vật lạ sẽ bị bắn ra ngoài. |
Bình luận (0)