Theo Medical Xpress, WHO đưa ra tuyên bố vào hôm 14-7, nhấn mạnh đó là một dấu hiệu đáng lo ngại là hành tinh có thể phải đối mặt với sự gia tăng các bệnh lây truyền từ động vật như bệnh đậu mùa khỉ, Ebola và virus corona trong tương lai.
Cụ thể, số vụ bùng phát dịch bệnh do mầm bệnh "vi phạm rào cản về loài" trong thập kỷ 2012-2022 ở châu Phi đã tăng 63% so với thập kỷ trước, trong đó có một sự gia tăng đột biến đặc biệt từ năm 2019-2020.
Nhân viên y tế đang khử khuẩn tại Liberia trong một đợt bùng phát Ebola - Ảnh: WHO
Các dịch bệnh bắt nguồn từ động vật sau đó lây nhiễm sang người đã chiếm một nửa tổng số các sự kiện sức khỏe cộng đồng quan trọng ở châu Phi. Các bệnh như Ebola và các dạng bệnh sốt xuất huyết khác nhau như Marburg là nguyên nhân gây ra 70% các đợt bùng phát, ngoài các bệnh như bệnh đậu mùa khỉ, bệnh sốt xuất huyết, bệnh than và bệnh dịch hạch.
"Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để ngăn chặn các bệnh lây truyền từ động vật sang người trước khi chúng có thể gây nhiễm trùng lan rộng và ngăn châu Phi trở thành điểm nóng cho các bệnh truyền nhiễm mới nổi", Giám đốc WHO châu Phi Matshidiso Moeti nhấn mạnh.
Trong khi dịch bệnh ở động vật đã lây nhiễm sang người trong nhiều thế kỷ ở châu Phi, diễn biến của nhiều vụ dịch gần đây cho thấy chúng ngày càng dễ lây lan xuyên biên giới, như trường hợp của đậu mùa khỉ.
WHO cũng lưu ý rằng châu Phi có dân số tăng nhanh nhất thế giới, điều này làm tăng đô thị hóa và giảm các khu vực chuyển vùng cho động vật hoang dã, từ đó làm tăng tiếp xúc giữa con người và động vật hoang dã một cách bất thường.
Các nhà khoa học cũng lo ngại rằng các đợt bùng phát có thể đã từng được kiềm chế ở các vùng nông thôn xa xôi, giờ đây có thể lan nhanh hơn đến các thành phố lớn của châu Phi, sau đó có thể mang dịch bệnh ra khắp thế giới do các tuyến du lịch quốc tế.
WHO đưa ra ví dụ đợt bùng phát Ebola ở Tây Phi bắt đầu vào năm 2014, phải đến khi dịch bệnh đến các thành phố thủ đô, nó mới thức sự lan rộng đến chóng mặt. Cuối cùng dịch Ebola giết chết hơn 10.000 người và lan đến một số thành phố ở châu Âu và châu Mỹ.
Hay như đậu mùa khỉ, chỉ sau vài tháng bùng phát đã gia tăng với tốc độ chóng mặt. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), hiện có hơn 11.000 trường hợp trên toàn thế giới, phân bố ở 65 quốc gia.
Mới đây, một căn bệnh lạ, được mô tả là "nguy hiểm như Ebola" nhưng không phải Ebola hay sốt xuất huyết Marburg đã khiến 3/13 bệnh nhân tại Tanzania tử vong với các triệu chứng sốt, xuất huyết, đặc biệt là chảy máu mũi nặng.
WHO chính thức tái triệu tập Ủy ban khẩn cấp về đậu mùa khỉ
WHO cũng vừa thông báo đến các cơ quan báo chí rằng cuộc họp khẩn cấp thứ 2 của Ủy ban khẩn cấp về Các quy định y tế quốc tế liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ sẽ được triệu tập vào ngày 21-7.
Ủy ban khẩn cấp là cơ quan có trách nhiệm xem xét tình hình dịch bệnh, từ đó đưa ra quyết định có tuyên bố đậu mùa khỉ là một PHEIC (Tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng cần được quốc tế quan tâm) hay không.
Hôm 13-7, Bộ Y tế Singapore cũng vừa báo cáo trường hợp đậu mùa khỉ "lây nhiễm trong cộng đồng" thứ 2, trên một công dân Anh 48 tuổi đã sinh sống tại Singapore từ lâu, theo Channel News Asia. Bệnh nhân này có triệu chứng vào ngày 6-7 và đang được cách ly điều trị tại Trung tâm Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm (NCID).
Bình luận (0)