Một quy trình phản ứng khẩn cấp và khu vực cách ly đã được BV Thống Nhất tổ chức nhằm dự phòng các tính huống có bệnh nhân nhiễm virus corona mới 2019-nCoV được phát hiện.
2 tình huống giả định
Theo lãnh đạo BV, không thể chủ quan với dịch bệnh này nên BV đã chuẩn bị để có thể đối phó với tình huống nhiều bệnh nhân nhiễm virus corona vào cấp cứu cùng lúc.
PGS-TS-BS Lê Đình Thanh, Giám đốc BV Thống Nhất, trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh do virus 2019-nCoV của BV, nói về buổi diễn tập
Tình huống diễn tập thứ nhất là khi ê kíp trực cấp cứu nhận được cuộc gọi thông báo có bệnh nhân trở về từ cuộc họp ở Quảng Châu cách đây 2 ngày, nghi nhiễm bệnh, cần cấp cứu ngoại viện. Theo quy trình, trong thời gian dưới 10 phút, đội phản ứng nhanh phải thay xong trang phục, đem đầy đủ dụng cụ lên xe cấp cứu để xuất phát. Kết quả diễn tập vượt ngoài mong đợi khi chỉ chưa đến 5 phút sau cuộc gọi báo động, xe đã chuyển bánh.
Trong tình huống diễn tập 1, đội cấp cứu ngoại viện đi đón bệnh nhân nghi nhiễm virus corona
Nhân viên y tế tham gia diễn tập mặc trang phục bảo hộ kỹ lưỡng
Tình huống thứ 2 là một bệnh nhân sốt, ho, mệt mỏi, có yếu tố dịch tễ nhập khoa cấp cứu. Tại khu vực Triage (phân loại bệnh), là gian phòng kín có thêm 2 buồng riêng bên trong, bệnh nhân được đưa vào buồng cách ly tạm thời, hỏi thông tin, khám.
Một bệnh nhân giả định nghi nhiễm nCoV được thăm khám
Toàn bộ nhân viên trong khu phân loại bệnh đều mặc trang phục bảo hộ
Tại đây, anh cũng được lấy 2 mẫu chất (phết họng), kiểm tra phổi ban đầu, sau đó được vận chuyển bằng bằng ca theo luồng đi quy định đến khoa Nhiễm để nhập viện.
Các khoa phòng sẽ được thông báo tình hình
Các mũi tên in trên giấy màu vàng cam được dán dọc lối đi quy định để di chuyển bệnh nhân nhiễm/nghi nhiễm virus corona
Đội bác sĩ diễn tập đưa bệnh nhân đến khoa Nhiễm
Nhân viên khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ đi ngay phía sau để phun hóa chất diệt khuẩn. Lối đi quy định chủ yếu qua những hành lang vắng người
Khoa Nhiễm tiếp nhận bệnh nhân (giả định)
Khám bệnh trong khoa Nhiễm
Nhân viên y tế ghi chép về ca bệnh giả định
Tổng cộng có 6 khoa phòng trực tiếp tham gia quy tình, bao gồm khoa Cấp cứu, Nhiễm, Hồi sức tích cực -chống độc, Hô hấp, Phòng khám A, Phòng khám B. Nhưng theo BS chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của BV, trường hợp có nhiều ca bệnh cần nhập viện, BV sẽ huy động thêm 2 đội phản ứng khẩn cấp, 3 đội phòng chống thảm họa và các kíp trực ứng phó từ các khoa phòng khác.
Nhân viên y tế được chọn tham gia các đội phản ứng nhanh và quy trình tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona là người không có bệnh mãn tính, không có thai và không nuôi con nhỏ.. "Toàn bộ hình ảnh trong bài viết là hình ảnh diễn tập, không phải tình huống thật" - lãnh đạo Bệnh viện Thống Nhất, lưu ý.
Xử lý 5 nhà thuốc ghim khẩu trang y tế
Sáng cùng ngày, Văn phòng UBND TP HCM cho biết UBND TP đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các quận-huyện thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, theo công Công điện mới đây của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, UBND TP HCM đã chỉ đạo sở, ban, ngành và UBND các quận-huyện cần hạn chế hội họp đông người tham gia trừ các trường hợp thật sự cần thiết và để phục vụ phòng chống dịch; tăng cường tiêu độc, khử trùng tại các điểm tập trung đông người nhất là trường học, chợ, siêu thị, bến xe, nhà ga, khu chung cư cao tầng.Người dân đeo khẩu trang khi đi ra đường để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
UBND TP HCM khuyến cáo người dân cần đeo khẩu trang phù hợp tại nơi công cộng và theo hướng dẫn của ngành y tế. UBND TP HCM cũng yêu cầu các lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá khẩu trang, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch, đưa tin thất thiệt về dịch bệnh tại TP, kể cả khởi tố điều tra xử lý theo luật hình sự.
Theo đó, Đội Quản lý thị trường số 12 đã tiến hành kiểm tra Nhà thuốc Phụng Hoàng (Gò Vấp), tại nhà thuốc đã treo biển "hết hàng khẩu trang". Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy nhà thuốc vẫn còn 657 cái khẩu trang các loại, có niêm yết giá 3.000 đồng/cái. Đội Quản lý thị trường số 12 đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng trên để xử lý về hành vi găm hàng trong tình hình dịch bệnh.
Cục Quản lý thị trường TP cho biết đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh, để găm hàng, tăng giá, đưa ra thị trường các loại khẩu trang nhập lậu, giả, kém chất lượng.
Ngày 5-2, các đội QLTT ở các quận trực thuộc Cục QLTT TP HCM tiếp tục tiến hành kiểm tra các điểm kinh doanh trên địa bàn. Qua đó phát hiện thêm 4 nhà thuốc tăng giá, găm hàng, bán khẩu trang không rõ xuất xứ.
Đội QLTT số 12 tiếp tục kiểm tra nhà thuốc KT tại tỉnh lộ 15 (quận 12) đang kinh doanh 90 khẩu trang không rõ xuất xứ.
Tại quận 1, đội QLTT kiểm tra, phát hiện điểm kinh doanh thiết bị y tế KS trên đường Cống Quỳnh có 12 hộp khẩu trang không ghi xuất xứ, có giá bán từ 50.000-80.000 đồng/hộp. Tại quận 6, cơ quan QLTT cũng phát hiện 2 cửa hàng kinh doanh 950 khẩu trang không nhãn mác, không có ngày sản xuất. Các vi phạm trên đều được cơ quan QLTT lập biên bản, thu giữ toàn bộ số hàng để xử lý.
Trước đó ngày 4-2, lực lượng QLTT tại nhiều tỉnh thành đồng loạt tổng kiểm tra 338 cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế (TBYT), hiệu thuốc đối với mặt hàng khẩu trang và nước sát khuẩn. Theo đó, có 95/338 cửa hàng vi phạm đã bị lực lượng chức năng xử phạt gần 200 triệu đồng, tạm giữ 137.776 khẩu trang các loại.
Bình luận (0)