Nhiều vụ ẩu đả dẫn đến án mạng xảy ra thời gian gần đây xuất phát từ một nguyên nhân rất “lạ”. Đó là mở nhạc có âm lượng quá lớn. Nói là nguyên nhân lạ nhưng thực sự nó lại quá quen trong một xã hội mà “nhà nhà gây ồn, người người làm ồn” như hiện nay.
Tứ bề thọ... tiếng ồn
Thật khó chịu khi phải đi ngang qua những quán cà phê, quán ăn, cửa hàng kinh doanh - quảng cáo… phát ra tiếng nhạc xập xình đinh tai nhức óc. Chúng ta đã có đủ thứ luật, thậm chí có những quy định lạ đời như “6 ngón tay” (không cho người có bàn tay 6 ngón thi lấy bằng lái xe 2 bánh) nhưng luật về tôn trọng sự tĩnh lặng cho con người thì lại chưa có!
Có lần về Việt Nam, tôi tá túc ở nhà một người thân, được “cấp” 1 căn phòng rộng rãi thoáng mát ở tầng 2. Thế nhưng, khi mở cửa sổ ra thì tôi không chịu nổi với những tiếng ồn ập vào từ quán cà phê đối diện bên đường, từ những chiếc xe “khủng”, từ tiếng nẹt pô xe của những cậu choai choai… Chưa kể, khi đêm về, những nhà xung quanh lại vô tư... sản xuất tiếng ồn, nơi thì hát karaoke, chỗ thì tiệc tùng tới sáng. Tôi buộc phải dùng đến những miếng bông nhét tai mới có thể đương đầu với màn đêm đầy sự hỗn tạp.
Tôi hiện sinh sống tại Úc. Thật sự mà nói, tôi chưa bao giờ nghe bất cứ âm thanh “lạ” nào từ phía nhà kế bên. Họ rất tôn trọng không gian yên tĩnh cho những người xung quanh và cho chính mình. Đôi khi mở tiệc tùng đình đám, họ cũng nói cho hàng xóm biết để mong cho đậu nhờ xe hoặc xin được phép mở nhạc “sương sương” chút ít với âm lượng không có gì phải phiền trách và không bao giờ quá 22 giờ. Vào ngày thứ bảy, chủ nhật, biết hàng xóm của mình cần ngủ lâu hơn sau những ngày làm việc mệt nhọc, họ không bao giờ gây ra những tiếng ồn như cắt cỏ, làm vườn, sửa xe...
Mong có luật âm thanh
Về mặt sức khỏe và môi trường, tiếng ồn gây ra những tác hại nghiêm trọng. Thống kê cho thấy tại Việt Nam có hơn 800.000 người bị giảm thính lực và phần lớn có nguyên nhân từ tiếng ồn. Tiếng ồn của còi xe, động cơ xe, loa phóng thanh… sẽ gây cao huyết áp và các vấn đề về tim mạch, tiêu hóa… Có nhiều người bị stress mà không hiểu tại sao, chỉ khi tiếng ồn chấm dứt, họ mới lấy lại trạng thái thư giãn.
Tiếng ồn cũng gây tác hại đến đô thị do hủy diệt môi trường sinh thái. Chẳng hạn, chim gọi bầy to tiếng hơn, lâu hơn và dĩ nhiên sẽ... chết sớm hơn; cây xanh ở đô thị cũng bị tàn phá nặng nề. Tại Úc, trẻ em được giáo dục về sự ô nhiễm âm thanh từ nhỏ. Cha mẹ hay thầy cô thường đưa các em vào một khu rừng vắng tĩnh lặng trong vài giờ rồi trở ra các khu đô thị sầm uất để các em so sánh, từ đó hiểu rõ tác hại của tiếng ồn.
Trong thời đại thông tin như vũ bão ngày nay, ai cũng nắm bắt thông tin một cách dễ dàng và nhanh chóng từ báo giấy, truyền hình, radio, internet... Do vậy, sự tồn tại của những chiếc loa phát thanh ở phường là không cần thiết nữa. Nó chỉ lãng phí, gây ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của những người lao động.
Chúng ta đã thành công khi tạo tạo ra được một phong trào tự giác đội mũ bảo hiểm. Chúng ta cũng đã có lực lượng cảnh sát môi trường để xử phạt những kẻ gây ô nhiễm môi trường. Hy vọng rằng chúng ta cũng sẽ có luật âm thanh để xử lý nghiêm những trường hợp gây tiếng ồn nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và góp phần xây dựng nền văn minh đô thị.
Bình luận (0)