Ngày 11-5, TS-BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ-Tim mạch Cần Thơ (S.I.S Cần Thơ), cho hay vừa điều trị trả lại đi đứng bình thường cho một người đàn ông bị liệt tứ chi kéo dài 13 năm.
Bệnh nhân là anh N.H.Đ. (33 tuổi, ngụ Quảng Nam). Năm 20 tuổi, anh Đ. đột ngột bị ngã quỵ, yếu liệt tứ chi, được bác sĩ chẩn đoán đột quỵ không rõ nguyên nhân. Gia đình đã đưa đi chạy chữa nhiều nơi nhưng nhiều năm qua, bệnh nhân phải nằm một chỗ, không thể tự đi lại được.
Gần đây, tình trạng bệnh ngày một nặng hơn, đến khám tại một bệnh viện ở địa phương anh dược chẩn đoán bị dị dạng mạch máu tủy cổ và giới thiệu đến Bệnh viện S.I.S Cần Thơ.
Người đàn ông đã đứng được trên đôi chân chính mình sau hàng chục năm trời bị liệt
Tại đây, kết quả chụp DSA cho thấy anh bị dị dạng mạch máu tủy vùng cổ ngang mức C5-C7 cấp máu từ các nhánh tủy trước, tủy sau 2 bên và một nhánh của động mạch thân giáp cổ phải.
Qua hội chẩn, các bác sĩ xác định người bệnh bị "dị dạng mạch máu tủy cổ bẩm sinh" rất nặng. Tình trạng dị dạng mạch máu phức tạp, không thể phẫu thuật hở, cách duy nhất là can thiệp nội mạch gây tắc mạch máu tủy dị dạng.
Sau gần 2 giờ căng thẳng, ca can thiệp tắc mạch thành công làm giảm đáng kể lưu lượng máu vào khối dị dạng.
TS-BS Trần Chí Cường cho biết thêm đây là trường hợp dị dạng mạch máu tủy cổ rất phức tạp. Do bệnh tiến triển trong thời gian dài nên khối dị dạng quá to, chèn ép tủy gây yếu liệt tứ chi.
Điểm khó nhất trong can thiệp mạch máu tủy là chỉ tắc chọn lọc mạch máu dị dạng, không gây tổn thương mạch máu tủy lành, giới hạn này chỉ tính bằng milimet. Nỗ lực của các bác sĩ đã mang lại thành công cho cuộc can thiệp. Sau can thiệp, bệnh nhân đã phục hồi chức năng vận động, anh đã có thể tự đi lại bằng chính đôi chân của mình sau nhiều năm khổ sở.
Dị dạng khó can thiệp được các bác sĩ xử trí thành công
Hiện nay, kể cả trên thế giới rất ít bác sĩ can thiệp mạch máu tủy vì kỹ thuật đòi hỏi độ chính xác cao, máy móc hỗ trợ tốt.
Trước đây, bệnh thường được chẩn đoán là xuất huyết tủy, viêm tủy cắt ngang, hay bệnh thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm… Ngày nay, với phương pháp chụp cộng hưởng từ MRI với từ trường từ 1.5 Tesla trở lên (tối ưu là 3 Tesla) các bác sĩ sẽ phát hiện được dị dạng mạch máu tủy khá dễ dàng và có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Bình luận (0)