Cách đây khoảng 4 năm, ông C.V.Đ (70 tuổi, ở Tiền Giang) bị gãy cột sống thắt lưng L1L2, được phẫu thuật bắt vít cột sống tại bệnh viện (BV) địa phương. Sau đó, ông có thể vận động tứ chi bình thường nhưng không thể ngồi và đứng vì đau lưng.
Chích điện vào người trị đau
Ông Đ. đã điều trị ở nhiều BV nhưng cơn đau vẫn không cải thiện. Tại BV Đại học Y Dược TP HCM, bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc giảm đau và đốt sóng cao tần nhưng tình trạng chỉ cải thiện trong khoảng hơn một tháng. Cơn đau tái phát khiến cuộc sống của ông Đ. rất khó khăn.
Sau khi tái khám, các bác sĩ BV Đại học Y Dược quyết định thực hiện phẫu thuật đặt điện cực kích thích tủy nhằm kiểm soát đau cho ông Đ. Sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe ông Đ. ổn, tiếp tục được theo dõi điều chỉnh máy đặt điện cực. Ông Đ. cho biết sau khi phẫu thuật, ông giảm được 50% tình trạng đau mà không cần các phương pháp giảm đau khác.
Một người bệnh đang điều trị làm mềm cơ tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM
TS-BS Lê Viết Thắng, Khoa Ngoại Thần kinh BV Đại học Y Dược, cho biết đặt điện cực kích thích tủy sống trong điều trị đau mạn tính là kỹ thuật mới được triển khai trong điều trị đau ở những người bệnh đã phẫu thuật cột sống hoặc di chứng viêm tủy, nhồi máu tủy nhưng không thể kiểm soát đau bằng thuốc. Với phẫu thuật này, bác sĩ đưa một điện cực vào ngoài màng cứng tủy sống, sau đó nối với một máy phát xung đặt dưới da. Xung điện được phát ra sẽ kích thích sừng sau tủy sống, kiểm soát các cơn đau ở cột sống. Phác đồ tiên tiến này giúp người bệnh đau mạn tính giảm 50%-70% tình trạng đau, có thể vận động, sinh hoạt bình thường và ngưng được các phương pháp điều trị đau khác.
"Đau lưng mạn tính có thể gặp ở người bệnh sau phẫu thuật cột sống (bắt vít, lấy nhân đệm, lấy u…), ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 10%-30% người bệnh sau phẫu thuật cột sống mắc hội chứng này" - BS Thắng thông tin.
Rối loạn nhịp tim là bệnh lý tim mạch nguy hiểm, gây cảm giác hồi hộp, đau tức ngực, khó thở và là nguyên nhân của 80% trường hợp đột tử hiện nay. Đặt máy kích xung điện cực cho tim là một kỹ thuật tiên tiến được một số BV lớn triển khai, trong đó có BV Chợ Rẫy.
TS-BSCK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết ngoài cứu người bị căn bệnh thầm lặng nguy hiểm này, hiện BV cũng chuyển giao kỹ thuật điều trị rối loạn nhịp tim cho một số BV trong nước.
Làm mềm co cứng cơ bằng... chất độc
BV Đại học Y Dược thời gian qua tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân có bệnh liên quan đến dây thần kinh như co cứng cơ, loạn trương lực, co thắt nửa mặt… Bệnh nhân mới nhất là ông L.Đ.A (51 tuổi, ở Tây Ninh) nhập viện trong tình trạng co cứng cơ sau chấn thương sọ não. Tay, chân ông lúc nào cũng co cứng nên việc sinh hoạt cá nhân gặp nhiều khó khăn. Ông A. được tiêm một loại protein có tên botulinum toxin thì cơ mềm ra, tầm vận động của khớp được cải thiện, việc vệ sinh cá nhân và tập luyện trở nên dễ dàng.
ThS-BS Đặng Thị Huyền Thương, Khoa Thần kinh BV Đại học Y Dược, cho biết Botulinum toxin là một protein được sản xuất tự nhiên bởi vi khuẩn clostridium botulinum. Tuy độc tố này có thể gây ngộ độc thực phẩm nhưng các nhà khoa học đã biến đổi chất độc thành một dược chất an toàn và hiệu quả để điều trị nhiều bệnh khác nhau.
Botulinum toxin được tiêm vào cơ hoặc tuyến. Khi chất này thấm vào dây thần kinh sẽ ngăn chặn sự kết nối giữa thần kinh và cơ hoặc giữa thần kinh và tuyến. Điều này sẽ làm cho cơ yếu đi hoặc làm cho tuyến giảm tiết nước bọt và giảm tiết mồ hôi. Hiện nay, botulinum toxin được ứng dụng để điều trị các bệnh co thắt nửa mặt, loạn trương lực, co cứng cơ, tăng tiết mồ hôi, tăng tiết nước bọt, run, bàng quang tăng hoạt, đau đầu migraine mạn.
Sau khi tiêm, người bệnh sẽ cảm nhận được hiệu quả đầy đủ nhất sau khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, vì botulinum toxin chỉ có hiệu quả tạm thời nên người bệnh cần được tiêm lặp lại mỗi 3-6 tháng. Đặc biệt, người bệnh không được tiêm lại khi chưa đủ 3 tháng để ngăn ngừa tình trạng kháng thuốc.
Tiêm botulinum toxin là một phương pháp điều trị an toàn. Dù vậy, hoạt chất này vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ mà phổ biến nhất là yếu cơ gần vị trí tiêm. Tác dụng phụ khác có thể xảy ra là đau, bầm hoặc chảy máu tại chỗ tiêm. Rất hiếm khi tiêm botulinum toxin gây ra yếu cơ toàn thân hoặc hội chứng giống cúm. Tác dụng phụ thường chỉ xuất hiện tạm thời và sẽ tự thuyên giảm theo thời gian.
Theo TS-BS Trần Ngọc Tài, Phó Khoa Thần kinh BV Đại học Y Dược, botulinum toxin thường được tiêm tại cơ đích với liều lượng rất nhỏ nhằm làm giảm tình trạng co cơ tự ý và cải thiện triệu chứng của người bệnh. Hiện nay, các kỹ thuật tiêm thuốc vào cơ gồm: tiêm dựa vào các mốc giải phẫu, tiêm dưới hướng dẫn của máy điện cơ và tiêm dưới hướng dẫn của siêu âm. Kỹ thuật tiêm và liều lượng phù hợp cho mỗi người bệnh sẽ được bác sĩ đánh giá dựa theo tình trạng thực tế.
Để bảo đảm an toàn và hiệu quả, người bệnh cần lựa chọn đơn vị y tế tin cậy, có năng lực thăm khám cũng như điều trị chính xác bởi hậu quả của việc tiêm không đúng kỹ thuật không những không giúp cải thiện triệu chứng bệnh mà còn làm xuất hiện thêm các tai biến, tác dụng phụ nghiêm trọng liên quan đến thuốc.
"Tại BV Đại học Y Dược luôn có quy trình kỹ thuật tiêm chi tiết, trang thiết bị hỗ trợ tiêm đầy đủ (máy siêu âm, máy điện cơ, kích thích điện) và quan trọng nhất là đội ngũ nhân viên y tế thuần thục trong từng thao tác. Do đó, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm về mức độ an toàn và hiệu quả trong điều trị các bệnh lý thần kinh bằng botulinum toxin khi có chỉ định của bác sĩ" - bác sĩ Tài nói.
Bình luận (0)