Việt Nam đã ứng dụng thành công các kỹ thuật tiên tiến để sàng lọc, chẩn đoán sớm và xây dựng phác đồ điều trị mới giúp giảm gánh nặng bệnh lao nhanh hơn nhiều so với mức trung bình của toàn thế giới.
Rút ngắn thời gian điều trị bệnh lao
Lần đầu tiên ở Việt Nam, sau 40 năm điều trị bệnh lao, các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát triển thành công phác đồ điều trị lao 4 tháng. Đây là một bước tiến quan trọng trong lộ trình chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu.
Công trình "Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh hô hấp tại Việt Nam" vừa vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ. Công trình do PGS-TS Nguyễn Viết Nhung - nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia và 22 đồng tác giả thực hiện.
Theo PGS-TS Nguyễn Viết Nhung, đây là nghiên cứu mang tính chất đột phá về mặt điều trị bởi những phác đồ trước đây kéo dài tới 24 tháng, 20 tháng; sau đó giảm còn 15 tháng, 12 tháng, 9 tháng và hiện tại là 4 tháng. Việc rút ngắn thời gian điều trị chỉ còn 2/3 so với phác đồ hiện tại đã làm tăng khả năng tuân thủ điều trị, giảm nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ nghiêm trọng, nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh.
Chụp X-quang sàng lọc cho người bệnh lao tại cơ sở y tế ở tỉnh Quảng Bình. Ảnh: DIỆU AN
Thống kê cho thấy hằng năm nước ta có khoảng 170.000 người mắc lao; nếu không chữa trị, ước tính tỉ lệ tử vong khoảng 20%. Tuy nhiên, nếu được điều trị, tiếp cận với phương pháp chữa lao như hiện nay thì chỉ có 3% tử vong (với những trường hợp phát hiện bệnh muộn hoặc có bệnh nền).
"Để sàng lọc bệnh, chúng tôi đã nghiên cứu thành công cách chụp X-quang phổi giá rẻ, có thể chụp X-quang cho nhiều người với thời gian ngắn. Sau khi chụp phổi, nếu phát hiện hình ảnh phổi có nghi ngờ mắc lao sẽ đưa người dân đi xét nghiệm X-pert để khẳng định" - PGS Nhung nói.
Từ việc ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến để sàng lọc, chẩn đoán sớm và xây dựng phác đồ mới điều trị bệnh đã giúp giảm gánh nặng bệnh lao tại Việt Nam nhanh hơn nhiều so với mức trung bình của toàn thế giới. "Ở Việt Nam, tỉ lệ giảm là 4,5% mỗi năm, trong khi toàn cầu là 1,5%" - PGS Nhung thông tin.
PGS Nhung cho biết việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến để sàng lọc, chẩn đoán sớm, phát hiện bệnh lao trong cộng đồng đã làm giảm bệnh lao nhanh hơn 44% so với can thiệp thường quy. Ngoài ra, việc ứng dụng sáng tạo phác đồ ngắn hạn điều trị lao đa kháng và phác đồ có thuốc mới điều trị tiền siêu kháng và siêu kháng thuốc giúp Việt Nam có kết quả điều trị cao hơn trung bình trên thế giới khoảng 15%-20%. Từ hàng chục ngàn ca bệnh lao được phát hiện nhanh chóng, chính xác, hàng ngàn bệnh nhân lao điều trị khỏi bệnh cho thấy Việt Nam đã đi đúng hướng. "Việc chấm dứt bệnh lao với con số dưới 20 ca bệnh/100.000 dân vào năm 2030 là hoàn toàn có thể làm được" - PGS Nhung khẳng định.
Bệnh lao có thể khỏi
PGS-TS Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, cho biết giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng. Tổ chức Y tế thế giới ước tính trong 2 năm 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lượng và tỉ lệ tử vong do lao tăng trở lại so với giai đoạn trước đây. "Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao" - PGS-TS Nguyễn Bình Hòa nói.
Theo Chương trình phòng chống lao quốc gia, mỗi năm nước ta phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, vẫn còn một tỉ lệ không nhỏ bệnh nhân lao chưa được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng. Hiện Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới với hơn 170.000 người mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao. Đáng nói là có 70% người mắc lao đang ở độ tuổi lao động.
Việt Nam đặt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Để đạt được điều này, bà Kiều Thị Mai Hương, quản lý chương trình Sức khỏe và An sinh - Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng, cho rằng cần đẩy nhanh phát hiện và điều trị các ca bệnh trong cộng đồng bao gồm cả lao hoạt động và lao tiềm ẩn. Người dân cần biết các dấu hiệu của bệnh lao, đi khám khi nghi mắc lao. "Quan trọng nhất, khi đã phát hiện mắc lao, người bệnh cần tham gia điều trị càng sớm càng tốt, đồng thời tuân thủ và hoàn thành phác đồ điều trị để tránh chuyển thành lao kháng thuốc. Bệnh lao hoàn toàn có thể được chữa khỏi" - bà Hương nhấn mạnh.
Hiện nay, các cơ sở y tế từ tuyến quận, huyện trở lên đều có phòng khám lao, rất thuận tiện cho việc thăm khám. PGS Nhung khuyến cáo khi có các triệu chứng nghi mắc lao như ho, sốt, khó thở hoặc tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân lao, người dân không nên giấu bệnh mà cần chủ động đi khám, xét nghiệm, để sớm được điều trị nếu có bệnh.
Ngoài ra, bệnh nhân lao không khạc nhổ tùy tiện, phải sử dụng khẩu trang khi nói chuyện và tiếp xúc hằng ngày để phòng lây lan bệnh ra cộng đồng.
Mỗi năm có khoảng 13.000 trẻ mắc lao
PGS-TS Nguyễn Bình Hòa cho biết mức độ lưu hành bệnh lao ở trẻ em trong cộng đồng tỉ lệ thuận với mức độ lưu hành bệnh lao ở người lớn. Mỗi năm nước ta có khoảng 13.000 trẻ mắc lao các thể cần điều trị. Trẻ em đa phần mắc lao ở độ tuổi dưới 5, chiếm khoảng 50% tổng số trẻ mắc bệnh lao. Vi khuẩn lao lây nhiễm rất dễ dàng, nếu trẻ sống chung hoặc thường xuyên tiếp xúc với người mắc lao. Do đó, khi trẻ có các biểu hiện ho, sốt... nên nghĩ đến khả năng trẻ bị mắc lao.
Một số trẻ nhiễm vi khuẩn lao nhưng vì có sức đề kháng tốt nên không tiến triển thành bệnh (còn gọi là lao tiềm ẩn). Trong trường hợp này nên cho trẻ đi sàng lọc và điều trị ngay nếu trẻ nhiễm vi khuẩn lao. Để phòng bệnh ở trẻ, cần bảo đảm tiêm đầy đủ vắc-xin phòng lao cho trẻ.
Bình luận (0)