Sáng 5-5, Bệnh viện Thống Nhất cho biết nữ bệnh nhân duy nhất sống sót, hiện vẫn đang nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc (ICU) của bệnh viện.
Trong tháng qua, bà và 3 bệnh nhân nam khác (từ 82 đến 88 tuổi) đã lần lượt nhập viện tại đây vì hít phải thức ăn trong quá trình ăn, gây sặc. Vấn đề tưởng đơn giản nhưng đã khiến các cụ ông, cụ bà này rơi vào trạng thái suy hô hấp, nguy kịch. Kết quả nội soi cho thấy trong đường hô hấp của họ có dịch dạ dày, lợn cợn sữa, chả, trứng… Những thức ăn này dẫn đến viêm phổi nghiêm trọng.
Nữ bệnh nhân sống sót duy nhất vẫn đang được điều trị tích cực tại ICU (ẢNH DO BỆNH VIỆN THỐNG NHẤT CUNG CẤP)
Theo bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Ngọc Ánh, Phó trưởng khoa ICU, ước tính có tới 10-15% số ca viêm phổi cộng đồng là do hít sặc. Hít sặc gây viêm phổi cũng là nguyên nhân tử vong chủ yếu ở những bệnh nhân có vấn đề về khả năng nuốt (nuốt khó do vấn đề thần kinh, thường gặp ở người cao tuổi). Một đặc điểm đáng chú ý là người hồi phục sau đột quỵ khi đã lớn tuổi rất dễ gặp rối loạn nuốt: 52% sau đột quỵ cấp; 30% sau 1 tuần và 10-50% xuất hiện sau 6 tháng.
Để đề phòng nguy cơ hít sặc chết người này, thân nhân cần nhận biết rối loạn nuốt ở người lớn tuổi bằng cách quan sát khi họ ăn. Các yếu tố nghi ngờ là: hay rơi đồ ăn ra ngoài, chảy nước bọt, đàm nhớt nhiều, khó khăn khi nhai - cắn, ho sặc khi nuốt - nhai, thay đổi giọng nói hay tốc độ nói sau ăn, viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần…
Bệnh nhân cần được đưa đi khám khi có những biểu hiện vừa nói trên, để tránh những nguy cơ này cần cho người bệnh ăn thức ăn mềm, tránh loại thức ăn xơ dính hay bị xay nhỏ, nhất thiết phải ngồi hoặc nửa ngồi và còn đủ tỉnh táo khi ăn.
Bình luận (0)