Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch Mỹ vừa ghi nhận trường hợp đầu tiên bị nhiễm một loại siêu vi khuẩn nguy hiểm, có khả năng kháng lại tất cả các loại kháng sinh. Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ loại siêu vi khuẩn này lan rộng ra thế giới, vào Việt Nam là rất lớn.
Vi khuẩn kháng mọi loại thuốc
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WTO), một phụ nữ ở tiểu bang Pennsylvania - Mỹ bị phát hiện dương tính với một loại vi khuẩn có khả năng kháng tất cả các loại kháng sinh, thậm chí cả những loại thuốc mạnh nhất cuối cùng mà nhân loại sở hữu. Sự việc này khiến các nhà khoa học lo ngại vi khuẩn có thể trao đổi các gien kháng thuốc với nhau.
Trước đó, các chuyên gia y tế thế giới cũng cảnh báo về một nhóm siêu vi khuẩn có khả năng kháng nhiều loại thuốc kháng sinh, thậm chí là nhóm kháng sinh mạnh nhất, lây lan từ Ấn Độ, Pakistan sang Anh.
Theo các nhà khoa học, không có loại thuốc nào ngăn chặn loại siêu vi khuẩn này, kể cả nhóm kháng sinh mạnh nhất. Phân tích nguy cơ vi khuẩn siêu kháng thuốc xâm nhập Việt Nam, giới chuyên môn cho rằng do đặc tính chung của vi khuẩn có thể lây truyền rất mạnh qua giao lưu, tiếp xúc nên nguy cơ loại siêu vi khuẩn này lan rộng ra thế giới, vào Việt Nam là rất lớn.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết sau 70 năm kể từ khi khoa học phát hiện kháng sinh penicilline đến nay, hàng trăm loại kháng sinh và các thuốc tương tự đã được phát minh, đưa vào sử dụng. Sự ra đời của kháng sinh đánh dấu kỷ nguyên phát triển mới của y học về điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, loại thuốc này đã được sử dụng rộng rãi, kéo dài, lạm dụng, làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc khiến thuốc kém hiệu quả hoặc không hiệu quả.
“Kháng thuốc là tình trạng các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng… kháng lại các thuốc kháng sinh đã nhạy cảm với các vi sinh vật này trước đây. Đó là hệ quả tất yếu của quá trình sử dụng thuốc trong điều trị và đặc biệt gia tăng khi việc lạm dụng thuốc kháng sinh ngày càng phổ biến hơn. Thậm chí, tình trạng kháng tất cả loại thuốc là cơn ác mộng của loài người” - ông Khuê cảnh báo.
Hậu quả của lạm dụng thuốc
Bác sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch Viện Tim mạch quốc gia, cho rằng việc dùng thuốc kháng sinh, xem kháng sinh chữa được bách bệnh đang quay trở lại “phản bội” loài người. Nhiều người cho rằng việc dùng kháng sinh là chuyện bình thường nhưng hậu quả sẽ rất khác thường.
Từ kinh nghiệm điều trị, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết có đến 80%-90% trẻ trước khi nhập viện đã bị gia đình tự ý cho sử dụng kháng sinh dẫn đến kháng kháng sinh, bệnh nặng.
Theo ông Dũng, đã có một bệnh nhi mới 8 tháng tuổi bị viêm màng não mủ phải trải qua 2 tháng điều trị với các phác đồ kháng sinh liều cao mới thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Nguyên nhân do trước đó, khi con bị sốt, tiêu chảy, ho, gia đình đã tự ý cho uống kháng sinh; đến khi bệnh tiến triển xấu mới đưa đi cấp cứu.
“Với những bệnh nhân đã kháng kháng sinh, sau này mắc các bệnh nhiễm trùng thì rất khó điều trị, dễ nguy hiểm đến tính mạng, tiền viện phí lớn, thời gian điều trị kéo dài” - ông Dũng nhấn mạnh.
Trong khi đó, dựa trên các phân tích, PGS-TS Lương Ngọc Khuê cho biết hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh đang phải đối mặt tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh ở mức báo động. Còn theo thống kê của Bộ Y tế, có tới 76% bác sĩ kê toa kháng sinh không phù hợp, khiến 33% người bệnh bị kháng thuốc.
Đáng nói là trong khi các quốc gia phát triển đang sử dụng kháng sinh thế hệ 1 thì Việt Nam đã sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4, chi phí kháng sinh trong điều trị chiếm tới 17% tổng chi cho phí dịch vụ khám chữa bệnh của người dân. WHO liệt Việt Nam vào danh sách nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất toàn cầu.
Báo động đỏ kháng thuốc trong bệnh viện
Các thống kê mới nhất của ngành y tế cho biết nhiều chủng vi khuẩn đã kháng nhiều loại kháng sinh, kể cả kháng sinh thế hệ mới. Việc phát triển các kháng sinh mới đã chững lại từ hơn 30 năm nay và chỉ có một vài kháng sinh mới ra đời, trong khi tỉ lệ kháng của vi khuẩn ngày càng gia tăng. Đặc biệt với vi khuẩn Acinetobacter baumannii - một căn nguyên nhiễm trùng bệnh viện hàng đầu hiện nay tại Việt Nam - thì tỉ lệ kháng kháng sinh đã ở mức báo động đỏ. Cụ thể, với hơn 3.000 chủng vi khuẩn Acinetobacter baumannii phân lập được tại 7 bệnh viện lớn, đại diện cho 3 miền Bắc - Trung - Nam trong năm 2012-2013, cho thấy chủng vi khuẩn này đã có tỉ lệ kháng cao với hầu hết các kháng sinh thông thường dùng trong bệnh viện.
Bình luận (0)