Tết là dịp để người người, nhà nhà thư thả tận hưởng không khí đầu năm an lành bên gia đình, trong khi đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, tài xế trực cấp cứu vẫn phải hối hả cùng những cú điện thoại khẩn cấp, trên những tuyến đường tiếp nhận bệnh nhân.
Một ngày đi cùng đội trực cấp cứu của Bệnh viện (BV) Trưng Vương, PV Báo Người Lao Động đã ghi nhận lại những giờ phút "ngồi trên lửa" của những con người thầm lặng này.
Sau vài tiếng chuông điện thoại nhầm máy có, đùa giỡn có, điều dưỡng trực ghi nhận cuộc gọi cấp cứu đầu tiên của tua trực ngày 11-2 (mùng 2 Tết Quý Tỵ) lúc hơn 8 giờ 30 phút: Một cụ bà đã 81 tuổi ở quận 8 - TPHCM bị hôn mê.
Sau hơn 7 phút, đội cấp cứu đã vượt chặng đường 10 km qua những con đường ngoằn ngoèo và số nhà lộn xộn của quận 8 để tiếp cận bệnh nhân. Rất may, cụ bà chỉ bị hạ đường huyết và nhanh chóng hồi tỉnh khi được truyền dịch. Cụ được tiếp tục theo dõi tại nhà.
Về đến BV Cấp cứu Trưng Vương, một điều dưỡng nhanh chóng sắp xếp lại túi đồ cấp cứu, bổ sung các dụng cụ, thuốc men đã sử dụng.
Không bao lâu sau, một ê kíp khác khởi hành chuyến cấp cứu tiếp theo. Khi hồi chuông báo động reo lên, một bác sĩ và 2 điều dưỡng nhanh chóng lấy các túi máy móc, thuốc men đã được phân công từ trước, bước vội lên xe.
Đường sá đã dần đông xe, nỗi lo âu hiện trên khuôn mặt của bác sĩ trẻ Đoàn Mai Phương và tài xế Nguyễn Trung Thống.
Trên chuyến xe đi đến nơi gọi cấp cứu, do không phải chở người bệnh nên các tài xế thường chạy thật nhanh để giành lấy “thời gian vàng”.
Một số bác sĩ, điều dưỡng cho biết lúc mới vào nghề, trong những chuyến cấp cứu đầu tiên, họ khó tránh khỏi tình trạng say xe do những khúc cua gắt “cướp thời gian”, cũng như căng thẳng vì tiếng còi cấp cứu hụ liên hồi.
Nhà bệnh nhân nằm sâu trong một con hẻm nhỏ, xe cấp cứu không vào đến nơi nên các bác sĩ, điều dưỡng, y tá phải… chạy bộ vào.
Rất may, gia đình này có nhiều thanh niên nên đã giúp đội cấp cứu một tay.
Bác sĩ Đoàn Mai Phương cho biết chị sợ nhất là những chuyến cấp cứu về đêm tại những nơi có nhiều hẻm sâu, hẻm nhỏ, xe không vào được. Nếu gặp phải gia đình neo đơn thì việc di chuyển người bệnh ra xe rất khó khăn. Có khi tài xế phải chạy ra chạy vào, vừa trông xe cấp cứu vốn có nhiều thiết bị y tế, vừa giúp chuyển bệnh nhân.
Khi đường phố Sài Gòn rực rỡ sắc màu Tết, các y bác sĩ, điều dưỡng, tài xế cấp cứu… vẫn lao vào những chuyến xe đầy cam go.
“Cấp cứu ngày Tết có cái đỡ là ít khi bị kẹt xe - nỗi ám ảnh của người làm cấp cứu - nhưng mình lại phải chạy cẩn thận hơn ngày thường vì nhiều khi người đi đường đã có chút bia rượu" - tài xế Thống nói.
Nỗi mong mỏi lớn nhất của các y, bác sĩ vẫn là một ngày Tết không có quá nhiều ca cấp cứu nặng và vì tai nạn.
Phòng cấp cứu của BV Trưng Vương không khi nào vắng bệnh nhân
Nỗi đau đớn của bệnh nhân và ánh mắt lo lắng của thân nhân chính là động lực để nhân viên y tế cố gắng hoàn thành tốt công việc.
Các tài xế thuộc đội xe của Khoa Cấp cứu ngoại viện đã đem Tết vào những ca trực qua một chậu mai thật đẹp. Các anh đã tự tay chăm sóc chậu mai này, đặt ngay trước cửa buồng trực.
Giữa đường phố Sài Gòn đã vơi bóng xe, người ta vẫn thấy những chiếc xe trắng lao đi hối hả với ước mong của những chiếc áo trắng, góp một phần nhỏ giữ cho mọi người cái Tết an vui…
Bình luận (0)