Hiện nay, trên thị trường đông dược có vô số sản phẩm dùng làm thuốc, bào chế điều trị bệnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguồn gốc và chất lượng các sản phẩm này đang là vấn đề báo động, chưa thể quản lý nổi.
Quý hiếm mà... bao nhiêu cũng có!
Trong các loại sản phẩm đông dược, nhân sâm được xem là một trong những dược liệu quý được nhiều người ưa chuộng nhất. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng đống tiền để mua chúng, bất kể nguồn gốc rất mập mờ.
Khi hỏi mua nhân sâm ở một cửa hàng trên đường Nguyễn Thông, quận 3 - TPHCM, chúng tôi được M., nhân viên một công ty nhập khẩu và phân phối độc quyền nhân sâm Triều Tiên, mời chào hàng chục loại mà theo lời anh này là “cực kỳ quý hiếm”, như: hồng sâm, cao sâm, bạch sâm... M. khẳng định chúng có công dụng rất đặc biệt cho người bị tiểu đường, cao huyết áp; có tác dụng cân bằng huyết áp, chống suy giảm miễn dịch, tăng cường chức năng gan, chống dị ứng và ung thư... Tuy nhiên, khi chúng tôi dọ hỏi về nguồn gốc, M. không giải thích được. Trên bao bì các sản phẩm “quý hiếm” này, chúng tôi chỉ thấy ghi toàn chữ Tây, chữ Hoa mà không thấy nhãn mác phụ của nhà phân phối.
Nhân sâm bán tràn lan tại các cửa hàng trên đường Nguyễn Thông có nhiều giá, như củ hồng sâm 37,5 g gần 600.000 đồng, bạch sâm 4 tuổi khoảng 1,3 triệu đồng, 3 củ hồng sâm 6 tuổi ngâm trong bình rượu 2 lít giá 3 triệu đồng... Theo một số chủ hàng, muốn mua bao nhiêu sâm cũng có. “Đây là sâm chính hiệu chứ không như ở chợ trời đã bị rút ruột các hoạt chất đâu”- một chủ cửa hàng khẳng định.
Khó phân biệt được nguồn gốc và chất lượng thuốc đông dược trên thị trường hiện nay
Một số siêu thị trên địa bàn quận 3, 10... - TPHCM cũng bày bán hàng chục loại nhân sâm được tinh chế dưới dạng trà, kẹo, cao, bột với công dụng được quảng bá như thần dược. Trong đó, có nhân sâm được tinh chế dành cho quý ông, quý bà để giảm béo và tăng cường sự dẻo dai trong chuyện phòng the; chống ung thư, xơ cứng động mạch, lão hóa; bồi bổ gan, thận...
Dạo qua một số cửa hàng đông y, đông dược trên đường Hải Thượng Lãn Ông, Lương Nhữ Học, Triệu Quang Phục (quận 5 - TPHCM), chúng tôi hỏi mua nhân sâm bao nhiêu cũng có. Khu này có hàng trăm cơ sở kinh doanh, sản xuất đông dược với hàng đống dược liệu bày ngổn ngang lấn cả hè phố. Nhân sâm được đựng trong bao ni lông chất lổn ngổn trên kệ cùng với các loại dược liệu khác nhưng không thấy ghi xuất xứ trên bao bì.
Cách đây không lâu, trong đợt kiểm tra về kinh doanh dược liệu ở địa bàn quận 5, cơ quan chức năng đã phát hiện mỗi cơ sở ở đây kinh doanh từ 300 - 500 mặt hàng nhưng phân nửa trong số đó không được kiểm duyệt. Chưa kể, số sản phẩm đông dược nhập lậu không nguồn gốc vẫn được bày bán tràn lan.
Khó kiểm soát
Theo dược sĩ Nguyễn Tiến Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược phẩm Vimedimex, dù có nhiều tiềm năng lớn về nguồn dược liệu nhưng mỗi năm VN phải nhập từ Trung Quốc hơn 1.000 tấn, trong đó có nhiều loại mà nước ta có.
Dược sĩ Trần Đức Vọng, Tổng Giám đốc Công ty CP Dược phẩm OPC, lo lắng trước thực trạng thị trường đông dược thật giả khó lường hiện nay. “Nhiều mẻ nguyên liệu thuốc khi đưa vào sản xuất, chúng tôi phải dùng nam châm hút mạt sắt bị trộn chung ra ngoài. Đó chưa kể các loại kim loại khác bị độn vào rồi cung cấp cho doanh nghiệp” - ông Vọng tiết lộ.
Riêng về nhân sâm, theo các chuyên gia dược liệu, loại bán trên thị trường VN hiện nay chủ yếu được trồng công nghiệp. Vì vậy, chất lượng của chúng đã bị giảm sút và không còn quý hiếm nữa. Việc thay đổi xuất xứ của sâm cũng thường xảy ra trên thị trường.
Chưa kể, nhiều nơi thay sâm chính phẩm bằng sâm phế phẩm bằng cách rút ruột lấy đi các dược chất quý hiếm, sau đó mua tinh dầu nhân tạo nhân sâm ướp lại rồi bán cho người tiêu dùng. Đối với những loại hồng sâm hay bạch sâm, việc “tút” lại khá đơn giản bằng cách thêm tinh dầu vào và dùng hóa chất tẩm màu để đánh bóng. Thậm chí, bằng thủ đoạn tinh vi, nhiều cửa hàng còn ngâm lại sâm trong một hóa chất để chúng nở to ra và mọng nước.
Theo TS Trần Công Luận, Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM, hiện thị trường nhân sâm rất bát nháo, lẫn lộn nguồn gốc, xuất xứ. Mới đây, tại Kon Tum và Quảng Nam xuất hiện rất nhiều loại sâm được cho là sâm Ngọc Linh, rao bán chỉ 3-4 triệu đồng/kg, trong khi sâm Ngọc Linh thật của VN giá tới 8-10 triệu đồng/kg. Điều tra cho thấy đây không phải là sâm Ngọc Linh của VN mà là loại của Trung Quốc.
Nghiên cứu của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cũng cho thấy giá nhân sâm (loại bị tách chiết gần hết hoạt chất) bán sang VN từ đầu nguồn chỉ khoảng 200.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhân sâm các loại bán trên thị trường TPHCM hiện có giá thấp nhất không dưới 40.000 đồng/100g và mức cao nhất cũng từ 40.000 - 50.000 USD/củ loại 450 g (loại được quảng bá gần 100 tuổi). Theo nghiên cứu này, sâm trên thị trường hiện nay là của Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Úc, Nhật...
Theo Bộ Y tế, kết quả khảo sát mới đây tại phố dược liệu quận 5 - TPHCM cũng cho thấy trên 50% mặt hàng sâm nhập lậu thông qua các cửa khẩu không có nguồn gốc rõ ràng; 90% nguyên liệu đông dược nhập từ Trung Quốc chưa qua kiểm định chất lượng. Theo ông Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế, VN hiện có khoảng 4.000 loài thực vật và nấm lớn được dùng làm thuốc. Với nguồn dược liệu lên đến 6.000 cây thuốc, đông dược sẽ trở thành thế mạnh của VN nếu nghiên cứu khai thác bài bản.
Bình luận (0)