Bác sĩ (BS) Lê Thanh Dũng, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện (BV) Việt Đức, cho biết đây là trường hợp tắc tĩnh mạch não cấp tính. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng nặng nề, thậm chí tử vong.
Nhức đầu kéo dài
Trước khi nhập viện, nam bệnh nhân 36 tuổi có sức khỏe bình thường, bất chợt bị nhức đầu, nghĩ là nhức đầu đơn thuần nên đã mua thuốc giảm đau uống liên tục nhưng không đỡ. Đến khi nhức đầu không chịu nổi mới đi khám, cơ sở y tế nghi ngờ tổn thương mạch máu não và chuyển đến BV Việt Đức.
BS Lê Thanh Dũng cho biết ngay sau khi tiếp nhận ca bệnh, các BS đã tiến hành hội chẩn đa chuyên khoa, kết quả chụp cộng hưởng từ sọ não cho thấy bệnh nhân bị tắc tĩnh mạch não cấp tính. Sau gần 2 giờ can thiệp nội mạch, rất nhiều huyết khối được lấy bỏ. Hình ảnh phim chụp sau can thiệp cho thấy các xoang tĩnh mạch tái thông hoàn toàn, không có tình trạng ứ trệ các tĩnh mạch não. Cơn nhức đầu của bệnh nhân cũng nhanh chóng biến mất, chức năng vận động cảm giác hoàn toàn bình thường.
"Bệnh lý huyết khối xoang tĩnh mạch não là bệnh lý rất hiếm gặp, chiếm khoảng dưới 1% trong tổng số các trường hợp đột quỵ não. Ở Việt Nam, chưa có số liệu thống kê chính thức nào về dịch tễ học của huyết khối tĩnh mạch não được công bố. Các triệu chứng của bệnh thường là những cơn nhức đầu, cơn động kinh, tùy trường hợp bệnh có thể dẫn đến hôn mê rất nhanh. Do đó, những khi bệnh bị bỏ sót khi khám, hoặc chẩn đoán muộn, sẽ ảnh hưởng nhiều đến quá trình điều trị, thậm chí có thể để lại các biến chứng nghiêm trọng" - BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Khoa Nội - Hồi sức thần kinh BV Việt Đức, thông tin.
Nam bệnh nhân 36 tuổi hồi phục sau khi được các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức can thiệp nội mạch. (Ảnh: HẢI MY)
Người trẻ còn chủ quan
Theo các BS, đột quỵ ở người trẻ ngày càng tăng nhưng thực tế nhiều người vẫn coi thường, chủ quan với căn bệnh này. Đột quỵ não ở người trẻ, khỏe mạnh đa phần là do dị dạng mạch máu não (bẩm sinh), hiện nay có thể chẩn đoán dị dạng mạch máu não bằng cách chụp MRI.
Theo GS-TS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, hiện nay, tăng huyết áp và đái tháo đường là 2 nguy cơ quan trọng nhất của đột quỵ, ngoài ra còn có xơ vữa động mạch, mỡ máu cao, bệnh tim và một số bệnh mạn tính khác. Thống kê trong những người đột quỵ có khoảng 70%-90% những trường hợp có tiền sử cao huyết áp và đái tháo đường, trong đó tăng huyết áp là nguy cơ quan trọng nhất.
"Khi huyết áp tăng sẽ gây tổn thương thành mạch. Khi thành mạch bị tổn thương sẽ kích hoạt phản ứng viêm tại chỗ làm tăng sinh lòng mạch, hẹp lòng động mạch, làm cho các mảng xơ vữa ở những thành phần hữu hình trong máu như bạch cầu, tiểu cầu, đại thực bào, gốc tự do… bám vào, làm hẹp và tạo huyết khối. Khi có cơn tăng huyết áp có thể gây cục máu đông làm tắc mạch hoặc làm thành mạch kém bền vững, vỡ mạch và chảy máu não" - GS Thông giải thích.
GS Thông cảnh báo đột quỵ ở người trẻ hiện ngày càng gia tăng, không thể chủ quan với căn bệnh này. Nếu có các yếu tố nguy cơ (gia đình có người thân bị đột quỵ, mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, cholesterol cao, bệnh lý tim mạch, hút thuốc lá, rượu bia nhiều, có triệu chứng đau đầu kinh niên, động kinh) thì nên đi tầm soát sớm.
"Bình thường ở mọi lứa tuổi thực hiện 6 tháng 1 lần. Nếu có cơn tăng huyết áp hoặc đột quỵ cần tầm soát thì 3 tháng 1 lần. Tầm soát đột quỵ không giới hạn độ tuổi nhưng tốt nhất là từ 40 tuổi trở lên. Nếu kết quả chụp mạch máu não phát hiện bất thường cần theo dõi định kỳ, nếu bình thường thì sau 3 năm hoặc với người dưới 50 tuổi thì sau 5 năm cần tái khám" - GS Thông tư vấn.
Hiện nay, vẫn còn rất nhiều người dân do chưa thật sự hiểu biết về căn bệnh đột quỵ não dẫn đến nhầm tưởng với một cơn nhức đầu, cảm cúm (cảm gió) thông thường nên không đến bệnh viện ngay mà lại tự ý mua thuốc cảm uống hoặc chỉ đánh gió cho đến khi bệnh trở nên nặng mới nhập viện thì lúc này khả năng để hồi phục là rất khó và để lại di chứng nặng nề.
TS-BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP HCM, Giám đốc BV Đột quỵ tim mạch Cần Thơ (S.I.S Cần Thơ), cho biết qua nghiên cứu hơn 1.600 ca đột quỵ đến BV S.I.S Cần Thơ, những yếu tố nguy cơ được ghi nhận nhiều nhất là cao huyết áp, béo phì, cholesterol cao, bệnh lý tim mạch, hút thuốc lá...
Bình luận (0)