PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan - Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam - cho biết nhiều bạn trẻ có những nguy cơ tiềm ẩn khi tập luyện thể thao nhưng họ không hề nhận ra, cho dù tập nhẹ.
Giới hạn của bản thân
Trong nhiều năm qua, các tai biến xảy ra trong lúc tập thể dục hay chơi thể thao đã được giới chuyên gia cảnh báo. Đáng tiếc không ít trường hợp đột tử vẫn xảy ra. Sự ra đi của một chàng trai 23 tuổi quê Bình Thuận do đột tử khi đang chạy giải đấu marathon cách đây không lâu là một minh chứng. Anh này không có tiền sử tim mạch. Nguyên nhân tử vong, theo các bác sĩ, có khả năng do vận động viên trên hoạt động quá sức chịu đựng của tim, dẫn đến trụy tim.
Năm 2013, vận động viên xe đạp Đ.X.T cũng tử vong ngay trên đường đua ở 1 giải xe đạp tổ chức tại Hòa Bình. Các bác sĩ nhận định anh đã đột tử do kiệt sức, trụy tim.
Một trường hợp can thiệp đột quỵ tại Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ
Tháng 5-2015, thủ môn T.N.T của Câu lạc bộ Bóng đá Quân khu 4 bất ngờ ngất lịm khi đang tập luyện ngay trên sân bóng. Mọi nỗ lực cứu chữa sau đó đều vô vọng. Trước đó dù có triệu chứng bệnh tim nhưng nạn nhân chủ quan không đi khám kỹ.
PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan cho biết không ít người tập thể thao đã chủ quan không kiểm tra y tế, không theo chỉ dẫn của bác sĩ. Có 5%-15% người đột tử khi đang tập luyện, thi đấu thể thao liên quan đến nguyên nhân này.
Các bệnh lý không hiện diện lúc nghỉ mà chỉ xuất hiện trong lúc gắng sức như: huyết áp tăng giảm bất thường, rối loạn nhịp, thiếu máu cơ tim, hen suyễn, co thắt phế quản do gắng sức, rối loạn chức năng dây thanh... Nhiều người khi khám được đo gắng sức tim mạch - hô hấp mới phát hiện bệnh. Những trường hợp này nếu thi đấu hay tập luyện cường độ cao sẽ dễ xảy ra tai biến, đột tử.
"Tập luyện thể thao giúp con người khỏe mạnh, sống thọ hơn, nhưng muốn an toàn trong khi vận động phải hiểu rõ giới hạn của bản thân, để có chế độ vận động hợp lý. Nếu cứ tập luyện quá sức mà không biết đã tới ngưỡng giới hạn sẽ gây đứt mạch máu não, đột tử..." - BS Lan khuyến cáo.
Nguy cơ tiềm ẩn
Theo giới chuyên gia tim mạch, tử vong do tập thể dục gắng sức cũng có thể dẫn đến đột quỵ với cả người trẻ tuổi nếu mắc một số chứng bệnh liên quan đến tim (như cơ tim giãn nở, bệnh lý mạch vành). Những bệnh lý này bình thường không có triệu chứng, chỉ đến khi vận động gắng sức, đột ngột thì mới bột phát.
Khám sức khỏe định kỳ, rất khó phát hiện vì bình thường bệnh nhân chưa gắng sức nên không có biểu hiện ra bên ngoài. Vì vậy cần tầm soát chuyên sâu để được tư vấn lựa chọn môn thể dục phù hợp với sức khỏe, tránh những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra.
TS-BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP HCM, Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ (S.I.S Cần Thơ) - cho biết trường hợp bị đột tử khi đang vận động có thể được coi là đột quỵ nhưng cần xác định đây là đột quỵ tim hay đột quỵ não.
Nếu vận động viên đang chạy, tự nhiên ngã xuống và sau đó ngưng tim, hôn mê sâu thì có khả năng là đột quỵ do tim. Có thể bệnh nhân đã có rối loạn nhịp tim sẵn hay bệnh lý cơ tim phì đại, bệnh tim bẩm sinh, khi bệnh nhân vận động quá sức, tim đột ngột ngừng đập, toàn bộ hệ thống tuần hoàn của cơ thể ứ trệ dẫn đến tử vong. Đa số những trường hợp đang vận động mà tử vong, hoặc tử vong trong khi ngủ là do đột quỵ tim.
Cũng có khả năng vận động viên bị đột quỵ não, nếu là nguyên nhân này thì khi ngã xuống bệnh nhân vẫn còn nhận thức (co tay chân được, mở mắt, nói đớ, liệt nửa bên người…). Đột quỵ não ở một người trẻ, khỏe mạnh thì đa phần là do dị dạng mạch máu não (bẩm sinh), khi vận động quá mức, huyết áp tăng cao, thúc đẩy mạch máu não vỡ ra. Hiện nay có thể chẩn đoán dị dạng mạch máu não bằng cách chụp MRI.
Bình luận (0)