Vị "bác sĩ" vừa được giới thiệu thông qua bài công bố trên tạp chí khoa học Nature thực ra là một thuật toán dạng AI (Artificial Intelligence – trí thông minh nhân tạo), "sống" trên máy tính.
Trong thử nghiệm mới nhất, AI này, với "chuyên môn" là đọc kết quả chẩn đoán hình ảnh đã có được số điểm vượt trội so trong cuộc đua với 6 bác sĩ X-quang dày dạn kinh nghiệm. Xét về khả năng, AI có thể làm công việc của mình hiệu quả bằng 2 bác sĩ giỏi cùng nỗ lực, cho dù nó chỉ có căn cứ duy nhất để chẩn đoán là phim X-quang chứ không hề được tiếp xúc với bệnh nhân như các bác sĩ.
Ung thư vú là nỗi ám ảnh lớn của phụ nữ - ảnh minh họa từ Internet
Dữ liệu để thử nghiệm là hồ sơ của hơn 29.000 bệnh nhân từ Bệnh viện St George's London, Trung tâm Jarvis Breast ở Guildford và Bệnh viện Addenbrooke ở Cambridge.
Thống kê cho thấy chẩn đoán bằng AI giúp loại bỏ được 1,2% dương tính giả và 2,7% âm tính giả so với con người chẩn đoán. Việc giúp giảm tỉ lệ âm tính giả rất quan trọng, vì đó là những bệnh nhân có nguy cơ bị bỏ sót, dẫn đến khi phát hiện thì bệnh đã trầm trọng, không còn cơ hội cứu chữa.
Ngoài ra, với sức làm việc của 2 người, AI còn có thể giúp giảm tải công việc cho các bác sĩ, nhất là trong bối cảnh các ca ung thư vú được phát hiện ngày càng nhiều. 1 bác sĩ X-quang sẽ cùng làm việc với AI để bảo đảm kết quả có độ chính xác cao nhất. AI này cũng có tốc độ chẩn đoán vượt trội so với con người: chỉ mất vài giây cho mỗi trường hợp!
X-quang cũng là một công cụ chẩn đoán không xâm lấn và dễ thực hiện, vì vậy việc chẩn đoán chính xác từ đầu thông qua bước chẩn đoán hình ảnh này sẽ hạn chế rất nhiều trường hợp phải trải qua các xét nghiệm xâm lấn một cách không cần thiết.
Theo thống kê tại Mỹ, cứ 8 phụ nữ thì sẽ có 1 người phải đối diện với căn bệnh này ít nhất 1 lần trong đời.
Bình luận (0)