Chất béo quan trọng không chỉ vì là nguồn dự trữ năng lượng mà còn đóng vai trò thiết yếu trong cấu trúc của mọi thành phần cơ thể, từ màng tế bào, kháng thể đến nội tiết tố. Thiếu chất béo thì không còn sự sống. Ấy thế mà không phải ai cũng hiểu rõ, hiểu đúng về tầm hữu ích của chất béo. Tệ hơn nữa là nhiều định kiến sai lầm về chất béo xuất phát từ những bản tin y học có khuynh hướng “bêu xấu” chất béo.
Trước hết, chất béo không đồng nghĩa với chất có hại. Ngược lại là khác, miễn hàm lượng chất béo trong máu, gan và mô dưới da đừng vượt quá định mức bình thường. Kế đến, đừng tưởng người béo phì không cần chất béo vì đã có mỡ thừa dưới da bụng, mông, đùi… bởi đó là thành phần chất béo ít khi được huy động vào chu trình biến dưỡng, trong khi cơ thể vẫn có nhu cầu tổng hợp chất kiến tạo từ chất béo. Do đó, dù gầy hay mập, cơ thể lúc nào cũng cần được tiếp tế chất béo. Vấn đề chỉ là số lượng và loại chất béo như thế nào.
Hơn thế nữa, đừng tưởng muốn sụt cân, hay cho dù chỉ cần ổn định thể trọng, thì phải tìm cách giới hạn thu nhập chất béo đến mức tối đa. Nếu đã bị rối loạn biến dưỡng chất béo thì chất mỡ trong máu vẫn có thể tăng cao cho dù có nhịn ăn thịt mỡ vì cơ thể tự tổng hợp chất béo từ chất đường thặng dư trong máu, như trường hợp của người tiểu đường. Éo le chính ở chỗ lá gan mỗi khi gia tốc tiến trình tổng hợp chất béo lại tập trung vào loại mỡ máu gây xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy thận… như triglyceride, LDL.
Nên nhớ bên cạnh mỡ xấu cũng có mỡ tốt được thầy thuốc đặt tên là HDL. Thầy thuốc khắp nơi đều rõ ai có đủ chất này thì dù có bệnh vẫn dễ chữa hơn kẻ thiếu HDL. Ngay cả với bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường, thậm chí ung thư, hàm lượng HDL trong máu càng cao thì tiên lượng càng khả quan. Bằng chứng là:
- Số người tái phát sau cơn nhồi máu cơ tim thấp hơn ở nhóm không thiếu HDL.
- Thời gian hồi phục sau lần thuyên tắc mạch vành được rút ngắn ở người có HDL trong định mức bình thường.
- Hàm lượng kháng thể siêu vi B và C giảm nhanh hơn ở người tuy viêm gan nhiễm mỡ nhưng không thiếu HDL.
- Tỉ lệ di căn ung thư giảm nhiều ở đối tượng có hàm lượng HDL được cải thiện sau quá trình điều trị hậu ung thư.
- Phản ứng phụ như rụng tóc, thiếu máu… không nghiêm trọng ở bệnh nhân hóa - xạ trị nếu đối tượng có hàm lượng HDL trong định mức bình thường.
Ngay cả trong quá trình điều trị bệnh mãn tính, hiệu quả của thuốc đặc hiệu được triển khai tối ưu nếu bệnh nhân không thiếu HDL. Điều đó đồng nghĩa với thu ngắn liệu trình, giảm chi phí thuốc men và giới hạn phản ứng phụ. Éo le chỉ ở điểm lá gan không ưu tiên tổng hợp chất này. Nói đúng hơn, lá gan khó tổng hợp HDL nếu lượng mỡ xấu trong máu đã tăng cao. Càng thừa triglyceride càng dễ thiếu HDL. Nói ngược lại, nếu có cách nào cải thiện hàm lượng HDL trong quá trình điều trị thì điều đó chứng tỏ liệu pháp không chỉ hiệu quả mà sức đề kháng của người bệnh cũng được cải thiện. Công việc của thầy thuốc điều trị bệnh nhân tăng mỡ máu vì thế không chỉ đơn thuần là hạ LDL, giảm triglyceride. Liệu pháp chỉ có thể gọi là đáng đồng tiền của người bệnh khi HDL từ thiếu trở thành đủ sau liệu trình. Điều trị là tác động kép. Trị mỡ máu mà không điều chỉnh biến dưỡng chất béo để tái lập quân bình giữa mỡ xấu và mỡ tốt thì chỉ mới gần nửa đường chữa bệnh.
Hạ mỡ máu không quá xa tầm tay
Hiện không thiếu thuốc hóa chất để hạ mỡ máu. Đáng nói ở chỗ không nhà sản xuất nào quả quyết thuốc không phản ứng phụ khi dùng dài lâu, trong khi điều trị tăng mỡ máu lại không thể ngày một ngày hai. Hạ mỡ máu tuy không dễ nhưng dù sao vẫn khả thi. Khó hơn nhiều là làm sao để tăng lượng mỡ HDL cần thiết cho sức đề kháng vì tăng được HDL đồng nghĩa với cải thiện chức năng giải độc của lá gan. Giải pháp này không quá xa tầm tay. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy không thiếu hoạt chất sinh học có tác dụng hạ triglyceride đồng thời tăng HDL. Hợp chất polycosanol trong sáp mía là dẫn chứng điển hình. Đó cũng chính là lý do tại sao càng lúc càng có nhiều thầy thuốc tìm về đáp án toàn diện và an toàn qua ngõ thiên nhiên. Không có cách nào khác khéo hơn.
Bình luận (0)