Tỉnh dậy sau buổi tiệc tất niên “quên trời đất” tại nhà, ông H.V.Y (45 tuổi; ngụ quận Tân Bình, TP HCM) cảm nhận những cơn đau khủng khiếp ở phần khớp xương nhô ra ngay gần ngón chân cái bên phải. Kiểm tra kỹ bên ngoài, ông thấy chỉ hơi sưng nhưng đau thì “chịu không thấu”, nghĩ chắc hôm qua nhậu say té ngã, va chạm mạnh vào đâu đó nên ông bắt taxi tới ngay bệnh viện (BV) gần nhà.
Nửa đêm bật dậy, vào bệnh viện!
Ông Y. khá bất ngờ khi bác sĩ (BS) kết luận rằng thực ra ông không té ngã, va đập gì cả mà đó là những triệu chứng khá rõ của căn bệnh gút (gout) - nỗi ám ảnh của nhiều bệnh nhân nam. Ông quả quyết rằng mình đi khám sức khỏe rất thường xuyên, lần gần nhất cách đây 3 tháng, kết quả xét nghiệm cho thấy axít uric không tăng. Để trả lời cho mối nghi ngờ đó, BS đề nghị ông đi làm xét nghiệm máu lại và kết quả khác hẳn so với 3 tháng trước. Vậy là rõ, sau hàng loạt bữa tiệc dày đặc cuối năm vì ham vui và cũng vì công việc của một doanh nhân, axít uric trong máu đã tăng vọt!
BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, cho biết cuối năm cũ - đầu năm mới là lúc ông gặp rất nhiều bệnh nhân tương tự như ông Y. Có những người sau nhiều lần cắn răng chịu đau mới đi khám nhưng cũng có người đang nửa đêm phải bật dậy chạy đến BV do cơn đau hành hạ quá mức.
Do di truyền, ăn uống, căng thẳng
Nguyên nhân của gút thường là do di truyền và khả năng chuyển hóa của bệnh nhân khi tiêu thụ các chất dễ làm tăng axít uric (phổ biến là đạm và rượu). Do đó, nhiều người lúc trẻ không bị nhưng khi lớn tuổi thì nguy cơ tăng lên bởi khả năng chuyển hóa theo tuổi tác không còn tốt.
Theo BS Đinh Văn Thủy, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Nhân dân Gia Định (TP HCM), cơn gút không chỉ do những bữa tiệc rượu mà có thể do stress, sử dụng ma túy hay mắc một số loại bệnh. Gút còn gọi là viêm khớp kết tinh hay thống phong, là một trong những dạng viêm khớp gây nhiều đau đớn.
Bệnh xảy ra khi có quá nhiều tinh thể nhỏ hình dạng khác nhau tích tụ ở lớp màng và phần mềm quanh khớp, có thể nhận diện dễ dàng là axít uric trong máu. Chế độ ăn uống được chứng minh có liên quan đến bệnh gút, nhất là mức độ tiêu thụ rượu, ăn nhiều đường, thịt và hải sản. Thông thường, triệu chứng đau do gút xuất hiện ở liên khớp bàn đốt ngón chân cái, sau đó là khớp gối; cũng có thể xảy ra ở mu bàn chân, mắt cá chân, gót chân, cổ tay, ngón tay, khuỷu tay…
“Bệnh gút có các yếu tố nguy cơ như trong gia đình có thành viên mắc bệnh; người bị khiếm khuyết về enzyme nên cơ thể khó phân hủy purin; đàn ông thừa cân; người uống nhiều rượu, ăn nhiều thực phẩm giàu purin (thức ăn nhiều đạm), bị phơi nhiễm chì, có cấy ghép bộ phận cơ thể, sử dụng một số thuốc như thuốc lợi tiểu, aspirin và một số thuốc đặc trị khác…” - BS Thủy cho biết.
Các cơn đau do gút thường thuyên giảm trong vòng 3-10 ngày ngay cả khi không điều trị. Các cơn đau tiếp theo có thể không xuất hiện trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm nhưng cũng không nên vì vậy mà chủ quan để cơn đau tái diễn nhiều lần hoặc kéo dài do không chịu kiêng cữ. Khi đó, những biến chứng như tổn thương xương khớp, thận… sẽ thực sự đe dọa bệnh nhân.
Axít uric không tăng, bệnh vẫn xuất hiện
Nhiều người khá chủ quan rằng mình sẽ nằm ngoài tầm ảnh hưởng của căn bệnh này khi kết quả tầm soát sức khỏe thường niên cho thấy mức axít uric vẫn nằm trong giới hạn bình thường hoặc chỉ hơi cao. Theo BS Đinh Văn Thủy, tăng axít uric máu vẫn là dấu hiệu đặc trưng của gút nhưng ngay cả khi axít uric không tăng, gút vẫn có thể xuất hiện. Ngược lại, có những người xét nghiệm thấy axít uric cao, về nhà lo lắng kiêng đạm, rượu nhưng vì bệnh không có chất xúc tác nên không bùng phát.
Bình luận (0)