Trưa 13-3, BS.CKII Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ - cho biết các bác sĩ khoa nội soi của bệnh viện vừa can thiệp thành công lấy một hàm răng giả dài khoảng 4cm, có 2 móc nhọn bị cắm vào họng thanh quản do bệnh nhân tự nuốt.
Các bác sĩ đang nội soi bệnh nhân A. thấy hàm răng giả 2 móc sắt cắm vào ngách xoang lê
Theo đó, bệnh nhân tên H.B.T.A, (SN 1973; ngụ huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) đã sử dụng hàm răng giả này đã 20 năm, ít đi tái khám răng. Ông A. nhập viện trong tình trạng trước đó vệ sinh răng miệng không may hàm răng giả rớt vào vùng họng thanh quản khiến đau họng dữ dội nên được người nhà chuyển đến Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán và nhận thấy đây là tình trạng cấp cứu nên tiến hành nội soi thám sát và thực hiện can thiệp lấy dị vật. Kết quả nội soi cho thấy cách cung răng 38 cm có hàm răng giả 2 móc sắt cắm vào ngách xoang lê (chỗ nối giữa hầu họng và thực quản), do đó việc lấy dị vật khá khó khăn. Các bác sĩ đã dùng snare (dây thòng lọng) lấy dị vật thành công trong 30 phút. Bệnh nhân được tiếp tục theo dõi và điều trị tiếp tại Khoa Nội Tiêu hóa – Huyết học lâm sàng.
Bệnh nhân A. đang được các bác sĩ chăm sóc sau khi lấy dị vật thành công ra ngoài
Sau 2 giờ lấy dị vật, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, giảm đau họng. Các bác sĩ chuyên khoa nơi đây khuyến cáo, những trường hợp sử dụng răng giả tháo lắp cần được kiểm tra 2-3 năm/lần để bác sĩ chỉnh lại hoặc thay mới theo sự tiến triển của xương hàm, không nên đeo hàm răng giả cả ngày, cần tháo ra để vệ sinh sau khi ăn hoặc trước khi ngủ bằng kem đánh răng và bàn chải chuyên dụng. Khi sử dụng một hàm răng giả lâu năm sẽ trở nên lỏng lẻo, ngoài những nguy cơ rớt vào đường tiêu hóa còn có những nguy cơ ảnh hưởng đến răng miệng như xây xát nướu, teo mô xương… Thay mới ngay nếu hàm răng giả lỏng lẻo.
Bình luận (0)