Mới đây, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM tiếp nhận cùng lúc 4 em nhỏ từ 5 đến 7 tuổi trong tình trạng trụy hô hấp và tim mạch. Nguyên nhân do các bé bị sốc thuốc động kinh - một loại thuốc mà trước đó các bé tưởng nhầm là kẹo nên đã ăn. Đây là 2 bé trai và 2 bé gái đang được nuôi dạy tại một mái ấm ở Bình Dương.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết các loại thuốc trẻ uống nhầm, uống quá liều thường thuộc nhóm thuốc an thần, chống động kinh, chống ói, paracetamol, thậm chí có cả thuốc ngừa thai, thuốc giảm cân mà nguyên nhân là do sự sơ suất của người lớn.
Dịp hè là thời gian trẻ thường gặp nhiều tai nạn nhất ngay trong ngôi nhà của mình. Bên cạnh các tai nạn về phỏng nước sôi, té ngã, điện giật, té ao, hồ thì ngộ độc thuốc rất thường xảy ra. Độ tuổi trẻ bị ngộ độc thuốc thường dưới 5 tuổi, nguyên nhân do nhầm thuốc là kẹo. Có trường hợp cha mẹ không ghi rõ liều dùng thuốc nên ông bà hoặc người giúp việc cho uống quá liều. Cũng có những trẻ 15-16 tuổi bị ngộ độc do uống quá liều hoặc cố ý tự tử do buồn chuyện gia đình, học hành...
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, khi trẻ bị ngộ độc thuốc, phụ huynh nên thực hiện sơ cứu ngay bằng cách cho trẻ ói ra, sau đó nhanh chóng đưa đến bệnh viện. Tuy nhiên, việc gây ói phải đúng cách, nếu không có thể làm trầy xước đường hô hấp hoặc làm trẻ ngưng thở.
Thật ra, các ông cha, bà mẹ vì thương con, muốn con uống thuốc mà không kháng cự nên hay nói thuốc là kẹo. Thế nhưng, điều này vô tình nhiễm vào đầu óc non nớt của trẻ và dẫn đến những hành động tai hại khó lường cho chính các em. Bác sĩ Tiến khuyên không nên nói với trẻ thuốc là kẹo để tránh những trường hợp đáng tiếc. Tốt hơn phụ huynh nên giải thích rằng uống thuốc mau hết bệnh để trẻ được đến lớp trở lại hay được đi chơi.
Trong thực tế cuộc sống, có những lời nói dối đơn giản thoạt nghe tưởng vô hại nhưng xem ra lại rất có hại. Nói thuốc là kẹo chỉ là một trong những dẫn chứng về điều đó.
Bình luận (0)