Bệnh SARS thực ra xuất phát từ Trung Quốc nhưng khi đó họ giấu nhẹm. Đó là bài học ấu trĩ mà bây giờ người Trung Quốc rút kinh nghiệm đau đớn để khi đối phó với cúm A/H7N9, họ đã biết công khai để cả thế giới cùng lao vào chống dịch.
Ca bệnh lạ đến từ Hồng Kông
10 năm đã trôi qua nhưng hồi ức về những ngày đương đầu với đại dịch SARS vẫn còn nguyện vẹn trong ký ức của “người chỉ huy” - GS Lê Đăng Hà. Nhớ về giai đoạn ấy, GS Hà kể: Một thương nhân gốc Hoa, quốc tịch Mỹ tên là Johnie Chun Cheng có tiếp xúc với bác sĩ Trung Quốc nhiễm SARS ở khách sạn Metropole (Hồng Kông), đã đến Việt Nam ngày 23-2-2003.
GS Lê Đăng Hà (phải) và đồng nghiệp kiểm tra phim X-quang của bệnh nhân SARS. (Ảnh do GS Lê Đăng Hà cung cấp)
Ngày 26-2, ông Johnie Chun Cheng bị sốt và vào điều trị tại Bệnh viện (BV) Việt Pháp (Hà Nội). Thương nhân này đã mang dịch SARS vào Việt Nam. Ngày 28-2-2003, bác sĩ Carlo Urbani (người Ý), chuyên viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, đến thăm khám bệnh nhân Johnie Chun Cheng điều trị tại BV Việt Pháp, phát hiện đây là một bệnh nghi do virus lạ và đã báo cho WHO. “Ông Carlo Urbani đã đến gặp tôi. Sau 2 giờ trao đổi, chúng tôi không thể phát hiện bệnh cụ thể nào.
Thế nhưng, qua những gì bác sĩ Urbani phân tích, tôi cũng đã hình dung được mức độ nguy hiểm của căn bệnh này. Bác sĩ Carlo Urbani bị lây nhiễm và tử vong ngày 12-3-2003. Nhờ bác sĩ Carlo Urbani mà dịch SARS đã có một kết thúc có hậu, nhân loại thở phào nhẹ nhõm. Giới chuyên môn có thêm những kiến thức vô giá về một căn bệnh chưa từng biết” - GS Hà xúc động nói.
Những giờ phút căng thẳng
Ngày 5-3-2003, nhiều cán bộ y tế ở BV Việt Pháp bị nhiễm SARS và nỗi lo về căn bệnh này đã lan rộng. Ba ngày sau, Việt Nam đã có 39 cán bộ y tế bị nhiễm bệnh, 5 người tử vong đều là y bác sĩ của BV Việt Pháp. Ngày 9-3, BV Việt Pháp đã phải đóng cửa. Bộ Y tế giao Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới quốc gia trực tiếp thu nhận và điều trị bệnh nhân SARS. Ngày 12-3, viện bắt đầu nhận bệnh nhân SARS.
Được giao nhiệm vụ, bản thân GS Lê Đăng Hà, giám đốc viện, và cộng sự không khỏi lo lắng vì phải đối phó với căn bệnh rất lạ, y văn thế giới lại hoàn toàn không có thông tin gì. Ngay lập tức, ông triệu tập một cuộc họp với nhân viên, yêu cầu cách ly nghiêm ngặt bệnh nhân với 2 khu riêng biệt, trong đó 3 tầng dưới tiếp nhận và điều trị bệnh nhân SARS và 3 tầng trên điều trị các bệnh nhân khác.
“Sau khi BV Việt Pháp có nhân viên y tế chết do nhiễm SARS thì nhân viên viện tôi cũng sợ. Tôi hiểu và không ép họ mà chỉ tuyên bố “ai không đồng ý làm thì viết đơn chuyển phục vụ bệnh nhân ở 3 tầng trên, còn nếu làm thì phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định do tôi đề ra”. Nhưng rồi cũng không có đơn nào được chuyển đến. Trong số 120 nhân viên của BV lúc ấy thì 70 người tập trung “chiến đấu” với giặc SARS” - GS Hà kể.
Phác đồ “không giống ai”
Dù quyết tâm chống SARS nhưng GS Lê Đăng Hà cũng không khỏi hoang mang. Các bệnh nhân đều được chụp X-quang phổi. Lúc đầu, phổi chưa bị tổn thương nhiều, đến hôm sau đã trắng xóa, không thở được, nguy cơ tử vong rất cao. Nghiên cứu kỹ các bệnh nhân SARS, GS Hà nhận thấy phần lớn các bệnh nhân nặng dẫn đến tử vong đều do viêm phổi cấp, dẫn tới suy hô hấp.
Như vậy phải chụp phổi hằng ngày cho bệnh nhân, phải thông khí nhân tạo để tăng cường ôxy. Các bác sĩ điều trị dùng phương pháp thông khí nhân tạo không xâm nhập (không mở khí quản, không đặt ống nội khí quản) vì nếu mở khí quản sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn, dễ dẫn đến bội nhiễm viêm phổi.
Thế nhưng, điều khiến GS Hà trăn trở là “tại sao có một số bệnh nhân không hề tiếp xúc với người bệnh mà vẫn mắc bệnh?”. Bằng kinh nghiệm của một nhà khoa học, ông đã nhanh chóng tìm ra ổ dịch. Đó là những căn buồng trước đây vốn dùng làm nơi điều trị bệnh nhân, trước khi tiếp nhận bệnh nhân, dù đã vệ sinh nhưng không thể tiêu diệt được hết nguồn bệnh còn khu trú trong những thiết bị y tế, máy lạnh nên kể cả khi bệnh nhân đã xuất viện thì virus vẫn tồn tại.
Muốn làm sạch không khí, cần phải có những máy thông khí áp lực âm, mỗi cái trị giá vài trăm triệu đồng. Trong khi đó, điều kiện tài chính của viện không thể nào giải quyết được và ý tưởng điều trị “không giống ai” đã nảy sinh trong đầu GS Hà. “Lúc đó, chúng tôi quyết định không dùng điều hòa nhiệt độ, cho mở hết cửa sổ buồng có bệnh nhân SARS, đóng kín cửa ra vào, dùng các quạt máy mạnh để thông gió, đẩy virus ra ngoài trời nắng, tự chúng sẽ bị tiêu diệt. Cách làm này quả thực có hiệu quả” - GS Hà cho biết.
Ông và đồng nghiệp đã đề ra phác đồ điều trị SARS. Những bệnh nhân tưởng chừng cận kề với cái chết đã lần lượt vượt qua ranh giới tử - sinh. Sau gần 50 ngày, GS Lê Đăng Hà và các đồng nghiệp đã khống chế được dịch SARS ở Việt Nam. “Ổ dịch bị khoanh vùng, chặn đứng và bị tiêu diệt, không có bệnh nhân nào bị tử vong, dịch không lây lan ra cộng đồng.
Vậy là chúng tôi đã chiến thắng” - GS Hà nói. Để chứng minh nhân viên không ai bị nhiễm SARS. Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới quốc gia đã gửi toàn bộ mẫu máu xét nghiệm của cán bộ y tế của viện đến WHO. Ngày 28-4-2003, WHO thông báo trên toàn thế giới: Việt Nam là nước đầu tiên đã khống chế được bệnh SARS.
Giờ đây, GS-TSKH Lê Đăng Hà tuổi đã gần 80, nhắc lại “trận đánh” với virus “siêu lây” ấy, ông cười: “Thú thực, lúc ấy tôi cũng rất lo, rất sợ nhưng lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc không cho phép đầu hàng. Sau “trận chiến” ấy, có những bác sĩ tâm sự với tôi rằng hết giờ làm việc, được về với gia đình nhưng họ đã không dám về mà thuê khách sạn, phòng trọ tá túc hàng chục ngày vì sợ lây bệnh cho vợ con.
Bản thân tôi cũng thế. Mặc dù vợ tôi cũng làm nghề y, cô ấy hiểu và thông cảm nhưng tôi biết những lúc tôi ở viện thì ở nhà, mọi người cũng chẳng khác gì “ngồi trên lửa”. Những ngày tôi chống SARS, hàng xóm cũng ngại nói chuyện vì… sợ lây”.
Về sau, khi đã khống chế được dịch, GS Hà được mời sang Đài Loan và một số nước để chia sẻ kinh nghiệm. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Từ 55 trường hợp nhiễm SARS được ghi nhận vào ngày 12-3-2003 tại các bệnh viện ở Hồng Kông, Hà Nội và Singapore, SARS lây lan nhanh sang 32 quốc gia, vùng lãnh thổ, làm 8.422 người mắc, trong đó có 916 người chết. |
Bác sĩ vĩ đại
Đó là Carlo Urbani, sinh năm 1956, mất năm 2003 (ảnh), chuyên gia của WHO tại Việt Nam và khu vực Tây Thái Bình Dương. Bằng sự mẫn cảm của một chuyên gia về truyền nhiễm, bác sĩ Urbani là người trực tiếp thăm khám, hội chẩn bệnh nhân Johnie Chun Cheng và nhận ra rằng bệnh nhân này không phải nhiễm cúm mà là một căn bệnh mới rất dễ lây nhiễm. Urbani lập tức báo cáo với WHO và cùng với ngành y tế Việt Nam đối phó căn bệnh này.
Ngày 11-3-2003, bác sĩ Urbani bay sang Bangkok (Thái Lan) để dự một hội nghị do ông chủ trì. Bước xuống sân bay, Urbani nhận thấy mình sốt bất thường, mệt mỏi và đề nghị được cách ly ngay lập tức. Sau 18 ngày điều trị, ngày 29-3-2003, ông qua đời vì nhiễm SARS. Hai tuần sau, các nhà khoa học đã nhận diện được một loại virus chủng Corona gây nên bệnh SARS và đại dịch SARS được khống chế.
Tổng thống Ý Azeglio Ciampi nhận xét: “Ngành y tế thế giới có bổn phận ghi nhớ một vị bác sĩ anh hùng, một công dân can đảm, một người cha của gia đình, một người chồng gương mẫu đã bị cướp đi bởi một căn bệnh kinh hoàng do chính ông đang đi tìm nguyên nhân”.
Carlo Urbani có một câu nói rất giản dị nhưng rất nổi tiếng khi ông đại diện Tổ chức Bác sĩ không biên giới nhận giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1999: “Nhiệm vụ của bác sĩ là đến bên người bệnh”. Tư tưởng đó phải biến thành hành động và ông đã làm gương trước. Các trường y khoa nên đưa tư tưởng và cả cuộc đời, sự nghiệp của Urbani vào giáo trình y đức để dạy cho các nhân viên y tế tương lai.
V.Hy |
Bình luận (0)